Trung Quốc nối lại các chuyến bay quốc tế từ 8/1
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho hay, Tổng cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã gửi thư tới nhà chức trách hàng không Việt Nam thông báo về “Các biện pháp nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách”.
Theo đó, kể từ 8/1/2023, các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài có thể nối lại các chuyến bay của mình theo các hiệp định hàng không song phương, cụ thể là gỡ bỏ tạm thời các hạn chế về tần suất cũng như hạn chế về số lượng ghế sử dụng trên chuyến bay.
Các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài có giấy phép khai thác các chuyến bay quốc tế thương mại có thể nộp đơn xin nối lại các hoạt động khai thác đã được phê duyệt theo Lịch bay mùa đông 2019 của Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA).
Đồng thời, nhà chức trách Trung Quốc sẽ nối lại việc xem xét đơn xin cấp phép của các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài cho các đường bay mới hoặc tăng tần suất các chuyến bay quốc tế chở khách từ Lịch bay mùa hè 2023 của IATA.
Với các chuyến bay quốc tế thuê chuyến, CAAC cho biết từ Lịch bay mùa hè 2023, các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài mới có thể xin cấp phép trở lại để ưu tiên nối lại các chuyến bay thường lệ sớm nhất.
Ngoài ra, giấy phép khai thác đã cấp cho các hãng hàng không nước ngoài trong thời gian dịch Covid-19 vẫn có hiệu lực. Các hãng hàng không đó được tiếp tục khai thác theo thủ tục quy định.
Cũng từ 8/1, cơ quan chức năng phía Trung Quốc sẽ nối lại việc xem xét đơn xin cấp phép hạ cánh cho tàu bay tư nhân đến nước này.
CAAC thông tin, các sân bay ở Trung Quốc đang tối ưu hóa quy trình phục vụ cho các chuyến bay quốc tế để cải thiện năng lực khai thác. Tuy nhiên, một số thành phố vẫn có thể gặp phải những hạn chế liên quan kiểm dịch y tế khi nhập cảnh. Các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài nên liên hệ trước với các sân bay liên quan để sắp xếp hoạt động khai thác phù hợp nhằm đảm bảo việc nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách ổn định và có trật tự.
Phía CAAC cũng đưa ra danh sách các văn bản trước đây sẽ bị bãi bỏ.
Liên quan đến các chuyến bay đi/đến Việt Nam, trong thư gửi Cục Hàng không Việt Nam, ông Bai Wenli, Phó Tổng Giám đốc Vụ Các vấn đề quốc tế (CAAC) lưu ý, theo kinh nghiệm trên toàn thế giới, có thể thấy rằng trong quá trình phục hồi các chuyến bay, một số sân bay có thể thiếu nhân lực và đối mặt với tình trạng thiếu cơ sở vật chất, dẫn đến tình huống dịch vụ sân bay không kịp phục vụ trước số lượng chuyến bay tăng đột biến. Do đó, ông đề nghị các hãng hàng không Việt Nam liên hệ trước với sân bay điểm đến và theo sát diễn biến tình hình.
Ngay chiều nay (5/1), lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam sẽ họp với các hãng bay trong nước để triển khai kế hoạch khôi phục thị trường Trung Quốc.
Trước đó, Vietnam Airlines đã nối lại các chuyến bay thường lệ đến một số thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Châu từ đầu tháng 12/2022.
Tại hội thảo về hợp tác du lịch hàng không cuối tháng 12/2022 ở Đà Nẵng, ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải (Cục Hàng không Việt Nam), cho hay, Trung Quốc - một thị trường lớn của các hãng hàng không hai nước - vẫn đang ở mức độ khai thác rất hạn chế với tần suất 16 chuyến bay/tuần cho mỗi bên.
Trong khi đó, năm 2019 có 14 hãng hàng không hai nước khai thác trên 70 đường bay, từ 5 điểm Việt Nam đến 48 điểm ở Trung Quốc, với tần suất hơn 600 chuyến bay/tuần, vận chuyển 7,6 triệu khách vào năm 2019.
Hiện tại, Việt Nam không có bất kỳ hạn chế nào đối với các hãng hàng không của cả hai nước trong việc chở khách đi/đến Việt Nam, tuy nhiên phía Trung Quốc vẫn áp dụng các hạn chế về tần suất, điểm đến đối với các chuyến bay chở khách chiều từ Việt Nam vào Trung Quốc.
Như vậy, với việc gỡ bỏ các rào cản về tần suất và số lượng ghế cho các hãng hàng không Trung Quốc và Việt Nam từ 8/1, hy vọng thời gian tới số chuyến bay quốc tế giữa hai nước sẽ sớm tăng trở lại.
Ngọc Hà