Trung Quốc đang dùng chiến thuật gì trên dãy Himalaya?
Trung Quốc được cho đang áp dụng chiến thuật bành trướng ở Biển Đông đối với các tranh chấp chủ quyền trên dãy núi Himalaya.
Trước ngày Quốc khánh 1/10, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng một ngôi làng mới có tên Pangda trong vùng lãnh thổ của Tây Tạng trên dãy núi Himalaya.
Theo New York Times, khoảng 100 người đã chuyển đến sinh sống trong hơn 20 ngôi nhà mới tại làng Pangda nằm bên bờ sông Torsa. Những người này còn tổ chức kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc đồng thời treo cờ và hát quốc ca Trung Quốc đúng ngày 1/10.
Hình ảnh vệ tinh hé lộ quá trình Trung Quốc xây dựng ngôi làng Pangda trên dãy Himalaya. (Ảnh: Maxar Technologies) |
Công ty Maxar Technologies của Mỹ đã cho công bố các bức ảnh vệ tinh về quá trình Trung Quốc xây dựng làng Pangda. Cụ thể, công trình này bắt đầu được xây dựng vào cuối năm ngoái và được hoàn thành không lâu trước ngày Quốc khánh Trung Quốc.
Theo phát ngôn viên của công ty Maxar Technologies là ông Stephen Wood, những bức ảnh hình ảnh vệ tinh còn cho thấy một con đường dài mới được xây dựng, cùng một công trình trông như boongke của quân đội nằm trên phần lãnh thổ Trung Quốc ở dãy Himalaya. Điều này cho thấy, Trung Quốc đang cố gắng tăng cường sự hiện diện quân sự càng nhiều càng tốt ở khu vực biên giới trang chấp trên dãy Himalaya.
Thậm chí, Trung Quốc cũng không giấu diếm về hoạt động xây dựng ngôi làng Pangda khi truyền thông nước này còn đưa tin về một buổi lễ kỷ niệm diễn ra vào ngày 18/10 với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao từ thành phố Thượng Hải. Nói cách khác, đây là một phần trong yêu sách nhằm đơn phương khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực thuộc lãnh thổ của Bhutan.
Giới chuyên gia nhận định, những gì xảy ra trên lãnh thổ của Bhutan giống như chiến thuật bành trướng mà Trung Quốc thi hành ở Biển Đông. Cụ thể, thông qua các tuyên bố chủ quyền phi lý, tiến hành thay đổi hiện trạng và xây dựng trái phép nhiều công trình, Trung Quốc muốn đơn phương khẳng định chủ quyền trên vùng biển chiến lược.
Cũng trong năm nay, quân đội Trung Quốc liên tiếp cho tăng cường lực lượng tới dãy Himalaya và băng qua khu vực lãnh thổ mà Ấn Độ kiểm soát bên phần Đường Kiểm soát thực (LAC), ranh giới được dùng để phân chia lãnh thổ Trung - Ấn.
Hồi tháng Sáu, quân đội Trung - Ấn còn xảy ra cuộc đụng độ quân sự đẫm máu nhất trong hàng thập niên qua ở dãy Himalaya. Hậu quả, 21 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn giấu thông tin về số binh sĩ nước này thương vong sau va chạm với Ấn Độ.
Kể từ sau vụ va chạm, các binh sĩ Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện trong khu vực mà Ấn Độ từng nắm quyền kiểm soát.
"Trung Quốc muốn củng cố việc kiểm soát những khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền", ông M Taylor Fravel, chuyên gia nghiên cứu về quân đội Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những hành động bác bỏ tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng có cùng tranh chấp chủ quyền. Động thái này cho thấy tham vọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc mở rộng bành trướng chủ quyền, tăng cường các lợi ích kinh tế và nhu cầu chiến lược trên toàn thế giới.
Hoạt động xây dựng ngôi làng trên dãy núi Humalaya cũng phản ứng hiện thực Trung Quốc muốn mở rộng chiến lược củng cố thành trì phía nam bao gồm Bhutan, vương quốc có 800.000 dân.
Làng Pangda tọa lạc gần cao nguyên Doklam vốn nằm tiếp giáp với ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Cao nguyên Doklam cũng từng chứng kiến 73 ngày đối mặt giữa quân đội Trung - Ấn hồi năm 2017 bắt nguồn từ hoạt động xây dựng một con đường nằm trong lãnh thổ Bhutan do Trung Quốc thực hiện. Theo một hiệp ước an ninh lâu đời, Ấn Độ đã điều quân đến ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xây dựng công trình này. Hậu quả binh sĩ Trung - Ấn đã có hơn 70 ngày đối mặt căng thẳng.
Trong mùa hè qua, Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng rộng 300 dặm vuông của Bhutan.
Hành động đẩy mạnh hoạt động xây dựng các công trình trái phép và đơn phương tuyên bố chủ quyền cho thấy Trung Quốc đã mất bình tĩnh sau những cuộc đàm phán về tranh chấp biên giới với Bhutan vốn kéo dài hàng thập niên qua. Trong đó, vòng đàm phán thứ 25 giữa hai nước trong năm nay đã bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Rõ ràng Trung Quốc đang mất tính kiên nhẫn”, ông Tenzing Lamsang, tổng biên tập tờ The Bhutanese chia sẻ trên Twitter.
Nội các của ông Biden dày kinh nghiệm ứng phó với Trung Quốc
Sau khi ông Biden lựa chọn được các ứng viên chủ chốt trong Nội các, Trung Quốc mới gửi lời chúc mừng chính thức tới Tổng thống Mỹ đắc cử.
Minh Thu (lược dịch)