Trung Quốc có động thái với tân Tổng thống Hàn Quốc trước Mỹ
Ngay sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Yoon, Trung Quốc đã có động thái ngăn Hàn Quốc kết thân hơn với Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời mời tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tới thăm Bắc Kinh đúng ngày ông Yoon tiến hành lễ nhậm chức chính thức. Theo các chuyên gia, động thái của Bắc Kinh là nhằm ngăn Seoul tiến tới thân thiết hơn với Washington, giữa lúc mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.
Trong động thái hiếm có, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng đã tới Hàn Quốc để tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Yoon. Sau cuộc gặp với ông Yoon hôm 10/5, ông Vương đã công khai lời mời của ông Tập với tân Tổng thống Hàn Quốc. Ông Vương là vị quan chức cấp cao nhất được chính phủ Trung Quốc cử tới Seoul tham gia sự kiện nhậm chức của ông Yoon.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn gặp tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ở Seoul. (Ảnh: Yonhap) |
Đáp lời, ông Yoon đã cảm ơn lời mời của ông Tập và bày tỏ hy vọng sẽ được đón tiếp ông Tập tại Seoul. Lời mời bất ngờ của ông Tập được đưa ra trước thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm Seoul. Theo kế hoạch, ông Yoon và ông Biden sẽ tiến hành họp thượng đỉnh lần đầu tiên ở Seoul vào ngày 21/5.
“Nhận thấy chính quyền của ông Yoon đang muốn tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ hoặc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản khi xem đây là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và trái với chính sách đối ngoại cân bằng được thi hành dưới thời cựu Tổng thống Moon Jae-in, chính phủ Trung Quốc muốn chính quyền của tân Tổng thống Hàn Quốc ít nhất là duy trì quan điểm hiện thời”, Korea Times dẫn nhận định của nhà nghiên cứu tại Viện Sejong, ông Chung Jae-hung.
Dưới thời cựu Tổng thống Moon, Hàn Quốc đã phải đi dây giữa Mỹ, quốc gia đồng minh an ninh và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, để tránh tham gia vào liên minh chống Trung Quốc của Mỹ.
Tận dụng tầm ảnh hưởng kinh tế, Bắc Kinh đã có những nỗ lực tách Seoul khỏi Washington, khi xem Hàn Quốc là mắt xích yếu nhất trong mạng lưới liên minh của Mỹ. Và những nỗ lực này dường như đã thành công.
Tuy nhiên, tân Tổng thống Yoon lại tuyên bố thay đổi đường lối ngoại giao và đặt Mỹ vào trung tâm của các mục tiêu ưu tiên đối ngoại.
“Việc ông Vương tới Hàn Quốc và những tuyên bố của ông này cho thấy mối quan ngại của chính phủ Trung Quốc cho rằng chính quyền mới của Hàn Quốc thay đổi chính sách ngoại giao cân bằng để chuyển sang ủng hộ liên minh chống Trung Quốc của Mỹ”, ông Chung cho hay.
Trong cuộc gặp với ông Yoon, ông Vương cũng đã đưa ra 5 đề xuất về mối quan hệ Trung – Hàn bao gồm hai bên cùng tăng cường điều phối và hợp tác về các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên, đồng thời giải quyết phù hợp các vấn đề mang tính nhạy cảm. Đề xuất của ông Vương dường như muốn ám chỉ khả năng Hàn Quốc tham gia những nỗ lực chống lại Trung Quốc.
“Có quá nhiều nền tảng do Mỹ đứng đầu nhằm kiềm chế Trung Quốc như Bộ Tứ Kim Cương (Quad), Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, liên minh Aukus và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD”, ông Chung nói thêm.
Trong đó, liên minh Aukus với 3 nước thành viên là Mỹ, Anh và Australia mới được thành lập năm 2021. Aukus được xem là một giải pháp nhằm đối phó với những căng thẳng chiến lược ở khu vực Thái Bình Dương, nơi Mỹ - Trung đang tăng cường cạnh tranh. Phía Trung Quốc đã vô cùng tức giận và nhấn mạnh Aukus là mối đe dọa “vô trách nhiệm cực lớn” đối với sự ổn định của khu vực.
“Trung Quốc hy vọng chính phủ mới của Hàn Quốc sẽ không tham gia vào liên minh này”, ông Chung cho hay.
Ông Lee Sang-man, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông, tin rằng đây là lúc thích hợp để Trung Quốc và Hàn Quốc tái xây dựng các mối quan hệ dưới thời tân Tổng thống Yoon.
Cũng theo ông Lee, chính quyền của ông Yoon hiện hội tụ nhiều chuyên gia về các mối quan hệ với Mỹ, nhưng đây lại là những người có cái nhìn tiêu cực với Trung Quốc. Do đó, Hàn Quốc cần linh động tận dụng tình hình hiện thời để xây dựng quan hệ với Trung Quốc, nhưng cũng phải cứng rắn trong trường hợp bị trả đũa kinh tế.
Sau khi Hàn Quốc chấp thuận để Mỹ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ quốc gia vào năm 2016, Trung Quốc đã có hành động trả đũa kinh tế như tẩy chay hàng loạt sản phẩm của Hàn Quốc và cấm hoạt động du lịch. Nguyên nhân là do Trung Quốc xem THAAD đặt ở Hàn Quốc có thể thu thập thông tin tình báo về các hoạt động quân sự của nước này.
Dân văn phòng Hàn Quốc trở lại với 'ác mộng' sau giờ làm
Nhiều nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc khiếp sợ cơn "ác mộng" đi ăn nhậu sau giờ làm khi toàn bộ lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ.
Minh Thu (lược dịch)