Trung Quốc: Ấn Độ không được thăm dò dầu khí ở Biển Đông
“Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Đông và hy vọng các quốc gia có liên quan tôn trọng “chủ quyền” và lợi ích quốc gia của Trung Quốc cũng như các nỗ lực của các quốc gia khác trong khu vực nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán song phương”, Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Phát ngôn này của Hồng Lỗi được cho là nhằm đáp lại tuyên bố của đô đốc D K Joshi – Tổng tư lệnh Hải quân Ấn Độ trong đó khẳng định nước này đang chuẩn bị triển khai hải quân đến Biển Đông để bảo vệ các lợi ích kinh tế quốc gia của Ấn Độ, đặc biệt là trong các dự án khai thác dầu khí liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam.
Tập đoàn dầu khí ONGC của Ấn Độ vẫn đang có cổ phần tại nhiều dự án thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam . (Ảnh minh họa) |
Cố vấn về an ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon sau đó cho rằng phát ngôn của đô đốc Joshi đã bị diễn đạt lại không chính xác.
Ông Shivshankar Menon vừa kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc. Ông cho biết trong suốt chuyến thăm này, phía Trung Quốc đã không lần nào nêu ra vấn đề Biển Đông.
Trong khi viết bài về phát biểu của ông Joshi, tờ Thời Báo Hoàn Cầu – một phiên bản của tờ Nhân dân nhật báo – khẳng định, mặc dù Ấn Độ không trực tiếp có những tuyên bố liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông nhưng thông qua việc ký hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) với Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái tại các lô dầu khí “đang có tranh chấp” đã làm xấu đi mối quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Cần phải khẳng định lại rằng các lô dầu khí mà Ấn Độ đang hợp tác với Việt Nam nằm hoàn toàn trong vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không hề có “tranh chấp” như Trung Quốc vẫn tuyên bố.
Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục có những hoạt động leo thang và gây căng thẳng trên Biển Đông thể hiện rõ nhất là việc thông qua và ban bố luật mới cho phép cảnh sát biển được bắt giữ, trục xuất, lục soát tàu thuyền nước ngoài lưu thông trên Biển Đông. Đạo luật này được “đội lốt” dưới dạng quy định “của riêng chính quyền tỉnh Hải Nam” nhằm né tránh sự chú ý và chỉ trích phản đối của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN, Mỹ, và nhiều nước châu Âu khác cũng đã lên tiếng phản đối đồng thời nghi ngờ sự hợp pháp của quy định này. Cộng đồng quốc tế cho rằng Trung Quốc đang cố tình “lập lờ” để dần dần hợp thức tuyên bố “đường lưỡi bò” nhằm độc chiếm Biển Đông của nước này.