Tròn mắt trước khả năng ngụy trang tài tình của báo hoa mai
Bức ảnh chụp báo hoa mai trong môi trường hoang dã của nhiếp ảnh gia Hemant Dabi khiến mọi người phải vò đầu bứt tai.
Động vật luôn phải tiến hóa và thích nghi để sinh tồn. Nếu không căng mắt nhìn kỹ, rất có thể bạn sẽ chẳng bao giờ thấy những động vật ngụy trang đang lẩn trốn trong các bức ảnh mà các nhiếp ảnh gia tình cờ ghi lại được trong môi trường tự nhiên.
Nhiếp ảnh gia Hemant Dabi đã chụp bức ảnh con báo hoa mai nhưng khả năng ngụy trang tài tình của nó giúp tránh kẻ thù và đi săn dễ dàng hơn.
Nếu nhìn thoáng qua, không phải ai cũng nhận ra con vật đang trú ngụ ở trong không gian thiên nhiên đó. Nhà bảo vệ môi trường Bell Lack đã chia sẻ bức ảnh trên trang Twitter cá nhân với chú thích rằng: "Bạn vừa gửi cho tôi bức ảnh này và yêu cầu tôi tìm ra con báo ẩn bên trong. Tôi nghĩ đó chỉ là một trò đùa cho đến khi nhìn đi nhìn lại vài lần và bất ngờ phát hiện ra có một con báo. Các bạn có nhìn ra vị trí của con báo ở đâu không?".
Bức ảnh nhanh chóng lan truyền, thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Một số ý kiến cho rằng con báo nằm trên đống đất gần cái cây, một số cho rằng con báo ở đám đất xa xa.
Con báo ngụy trang hoàn hảo đến mức một số cư dân mạng bình luận rằng không thể tìm thấy con báo dù đã nhìn kỹ bức ảnh nhiều lần.
"Ai đó giúp tôi tìm ra câu trả lời đi, tôi đã nhìn bức ảnh nhiều lần rồi", "Báo ngụy trang kỹ quá tôi nhìn không ra", "Con báo đang nằm ở đâu vậy" ... cư dân mạng bình luận.
Nhiếp ảnh gia Hemant Dabi thừa nhận rằng bản thân anh chụp khoảnh khắc đó nhưng không phát hiện ra con báo dù chỉ cách vài mét.
"Khi tôi chụp bức ảnh này, mọi người kêu lớn báo động về việc nhìn thấy một con báo. Rất khó để phát hiện ra vị trí của nó. Tôi chỉ đứng cách con báo vài mét nhưng tôi vẫn không nhìn ra cho đến khi nó vẫy đuôi", Hemant Dabi cho biết.
Báo hoa mai là loài vật có khả năng ngụy trang rất giỏi trong môi trường sống, nhờ vậy mà chúng có thể đến rất gần với các khu định cư của con người mà ít khi bị phát hiện. Chúng là sinh vật dễ thích nghi, chúng ăn thịt chim, động vật có vú, đôi khi là bò của dân địa phương.
Hoàng Dung (lược dịch)