Trợ giá xe buýt TP.HCM: Xây dựng lại đơn giá, trình UBND TP phê duyệt
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường (ảnh: Zing) |
Trong buổi họp HĐND TP.HCM chiều 4/12, trả lời câu hỏi của đại biểu về những vấn đề khúc mắc trong vấn đề trợ giá xe buýt của thành phố thời gian qua, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường cho biết, hiện nay Sở vẫn đang dựa vào bộ định mức được thành phố ban hành từ năm 2009.
Do đó, Sở đã chỉ đạo Trung tâm quản lý giao thông công cộng xây dựng lại bộ đơn giá, sau đó trình Hội đồng thẩm định giá thành phố thông qua. Hiện các bước này đã cơ bản hoàn thành và tới đây sẽ trình UBND TP phê duyệt.
Ông Cường cho biết, sau khi có bộ định mức, việc trợ giá xe buýt sẽ tính theo cách mới. Ông cũng thông tin rằng, mức trợ giá cho xe buýt trong năm 2018 là 821 tỷ đồng, đến thời điểm này đã giải ngân được 73% (khoảng 600 tỷ).
Bổ sung thêm sau đó, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, thành phố cần tiếp tục phát triển giao thông công cộng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên ông thừa nhận rằng việc này làm chưa tốt.
“Một quốc gia tân tiến không phải bao nhiêu người đi xe Lexus, Camry, mà là có bao nhiêu người đi phương tiện công cộng” – ông cho hay, đồng thời cho rằng, thành phố chưa làm được việc này vì phương tiện chưa chuẩn, chưa đủ.
Ông cũng nhận định rằng, người dân thích dùng phương tiện công cộng càng nhiều thì giao thông càng được lợi, và ông nhấn mạnh: “Chưa một đất nước nào đặt mục tiêu giao thông công cộng phải có lời nên việc hỗ trợ là cần thiết, nhưng phải tránh tình trạng lợi dụng”.
Trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc phải xả trạm trong tối 3/12. Hình minh họa: Internet |
Cũng trong chiều 4/12, bên lề cuộc họp, ông Bùi Xuân Cường đã trả lời báo chí về trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc, nơi nhiều tài xế dừng lại phản đối trong ngày 3/12 vì cho rằng trạm đã hoạt động quá hạn.
Theo ông Cường, trước đây Bộ GTVT cho phép đầu tư mở rộng tuyến đường An Sương – An Lạc (chính là Quốc lộ 1). Sau đó chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) được thu phí từ 2/1/2005 đến 31/1/2017.
Tuy nhiên thành phố muốn hoàn chỉnh các công trình trên đoạn đường này nên đã ký thêm hạng mục với IDICO gồm cầu vượt Tỉnh lộ 10, Hương lộ 2, Lê Trọng Tấn, ngã tư Gò Mây. Tổng kinh phí cho các dự án này vào khoảng 2.000 tỷ đồng, do vậy thời gian thu phí của trạm tăng lên đến năm 2033.
Ông Cường khẳng định chủ đầu tư đang thu phí cho hợp đồng mới để hoàn vốn, do vậy không phải họ đang thu phí quá hạn. Ông Cường cũng thông tin rằng việc này đã được Thủ tướng đồng ý.
Liên quan đến vấn đề này, trong buổi họp chiều 4/12 của Sở Giao thông vận tải, Phó giám đốc Nguyễn Văn Tám cho biết dù thời gian trong văn bản cho thấy sẽ thu đến năm 2033, tuy nhiên thành phố sẽ căn cứ theo doanh thu và kết quả thực tế để điều chỉnh cho phù hợp.