Triển vọng từ 3 mô hình dạy nghề lao động nông thôn
Ba mô hình
Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giao thực hiện thí điểm 3 mô hình đào tạo, qua đó tìm hướng thực hiện đề án sao cho hiệu quả và sát với thực tế nhất. Cụ thể:
Mô hình đào tạo nghề, tổ chức việc làm gắn với xây dựng làng nghề mới, đây là mô hình được áp dụng cho những địa phương thiếu ruộng đất, có nhiều lao động nhưng thiếu việc làm và chính quyền địa phương có nhu cầu hình thành làng nghề mới. Thực hiện mô hình này, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã phối hợp với Công ty TNHH Phú Mỹ Lộc (Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) đào tạo nghề đúc đồng, gò thúc tranh đồng, chạm khảm tam khí cho 21 học viên đến từ huyện Giao Thủy (Nam Định), huyện Định Quán (Đồng Nai), quận Long Biên (Hà Nội). Tham gia khóa học, các học viên không chỉ được học lý thuyết với giáo trình khoa học mà còn được thợ giỏi và các nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn thực hành.
Mô hình đào tạo nghề, tổ chức việc làm kết hợp phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương chủ yếu được thực hiện ở những vùng có khả năng xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, học viên cũng là lao động tại các vùng quy hoạch trồng nguyên liệu. Với mô hình này, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã cùng với Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mai Bình tổ chức đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây tăm hương cho 70 lao động tại xã Mông Hóa (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), đào tạo nghề trồng cây nguyên liệu và làm chổi chít cho 70 lao động tại xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc, Hòa Bình). Hiện số lao động này đã hoàn thành xong khóa học và được công ty tạo việc làm, thu mua sản phẩm với thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình đào tạo nghề, tổ chức việc làm để duy trì và phát triển các làng nghề là mô hình được áp dụng cho các làng nghề truyền thống, các làng có nghề để duy trì và phát triển các làng nghề. Đến nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã phối hợp với 18 trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp làng nghề tổ chức đào tạo nghề và đào tạo nâng cao tay nghề cho khoảng 300 lao động tại các làng nghề như: Sơn mài Hạ Thái (Hà Nội), chạm khắc, mộc mỹ nghệ Hòa Quang Nam (Phú Yên), mộc mỹ nghệ La Xuyên (Nam Định)…
Triển vọng lớn
Sau gần một năm thực hiện, 3 mô hình thí điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thực hiện đã thu được những hiệu quả rất tích cực. Hơn 90% số lao động được đào tạo đã có việc làm và thu nhập ổn định từ 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng, triển vọng hình thành được các làng nghề mới là rất khả quan. Đặc biệt, với mô hình đào tạo nghề gắn với phát triển vùng nguyên liệu, không chỉ người dân có việc làm có thu nhập ổn định, nghề tiểu thủ công nghiệp được nhân rộng mà DN đã xây dựng và phát triển được vùng nguyên liệu qua đó chủ động được nguyên liệu cho sản xuất, nhất là trong tình trạng nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày một suy kiệt như hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, 3 mô hình do hiệp hội làng nghề thí điểm thực hiện đã thành công và rất có triển vọng được nhân rộng. Bởi hiệu quả thu được từ thực tế của 3 mô hình đã giải quyết được một số vướng mắc lớn trong quá trình triển khai đề án đào tạo nghề như: Đầu ra cho người học nghề, nguồn nguyên liệu cho sản xuất, bao tiêu sản phẩm và thu nhập của người lao động… Và điều quan trọng nhất mà hiệp hội đã đạt được trong quá trình thực hiện 3 mô hình là sự liên kết chặt chẽ của chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước có chức năng điều phối thực hiện đề án, các hiệp hội, hội, các tổ chức xã hội và từ bản thân các DN, CSSX tham gia đào tạo nghề, bao tiêu sản phẩm. Sự chung sức đồng lòng của xã hội sẽ là thuận lợi lớn để đề án được triển khai và thu được hiệu quả như mong muốn./.