7 trẻ tử vong do Adenovirus, chăm sóc trẻ sốt như thế nào?
Từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adenovirus dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cao. Tổng số ca nhiễm Adenovirus ghi nhận trong toàn Bệnh viện từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58%) với 7 ca tử vong.
Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 21/9/2022, tổng số ca bệnh Adenovirus phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.
BS Nguyễn Cát Phương Vũ – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cho biết dịch Adenovirus khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bối rối trong cách xử trí, chăm con bị ốm.
Tại Khoa, có nhiều trẻ được cha mẹ đưa vào cấp cứu vì con sốt cao thậm chí co giật. BS Vũ cho biết, có bà mẹ bị con cắn nát cả ngón tay chỉ vì con sốt, co giật, trợn mắt lên mẹ sợ con cắn vào lưỡi nên đưa tay của mình vào cho con cắn. Đây là cách xử trí sai lầm nhiều người mắc phải.
Khi bị nhiễm Adenovirus, cha mẹ nên bình tĩnh và xử lý theo từng triệu chứng. Virus này gây ra các biểu hiện viêm hô hấp, chảy nước mũi, sốt, đau mắt… Bệnh điều trị theo từng triệu chứng. Trong đó hạ sốt đúng rất quan trọng nhưng nhiều cha mẹ vẫn chưa biết cách.
Khi hạ sốt đúng, trẻ đỡ mệt, ăn uống tốt, không mất nước, nhanh hồi phục, giảm nguy cơ nhập viện. Hạ sốt đúng cách còn dự phòng co giật do sốt, giảm nguy cơ nhập viện.
BS Vũ cho biết hạ sốt đúng cách còn giúp bác sĩ đánh giá được yếu tố khác chính xác hơn như trẻ lơ mơ, li bì, mạch nhanh hoặc thở nhanh. Giảm nguy cơ biến chứng gan, thận khi sử dụng thuốc không đúng và giảm căng thẳng cho phụ huynh.
Cách hạ sốt đúng là sử dụng thuốc an toàn, đúng liều lượng.
Thứ nhất, khi sử dụng thuốc có thành phần chứ Paracetamol, có các tên thương mại phổ biến như Hapacol, Efferalgan. Hàm lượng phổ biến là 80mg, 125mg, 250mg, 300mg và 500mg.
Liều lượng phù hợp với cân nặng của con: trẻ dưới 10kg mua loại 80mg, 10-15kg mua loại 125/150mg, 20-25kg mua loại 250mg/300mg.
Cha mẹ nên mua sẵn cả dạng viên đạn và để sẵn vào ngăn mát tủ lạnh. Viên đạn phổ biến là 80mg, 300mg, 150mg. Trẻ đã uống thuốc đường miệng thì không đặt thuốc hậu môn. Nếu trẻ nôn, quấy khó uống hoặc sốt khi đang ngủ có thể dùng viên thuốc đặt. Nhiều cha mẹ cho con uống xong lại đặt thêm viên đặt hậu môn gây quá liều cho trẻ.
Thứ hai, sử dụng thành phần thuốc Ibuprofen với các tên thương mại phổ biến: Sotstop, Brufen, A.T. Ibuprofen. Hàm lượng hay gặp: 100mg/5mL
Loại thuốc hạ sốt này không nên dùng ngay từ đầu, chỉ mua để dự phòng sốt cao khó hạ. Nếu trẻ có tiền sử co giật nên mua thêm Depakine dự phòng trong những ngày bé sốt.
Liều dung ibuprofen 10mg/kg/lần, khoảng cách giữa 2 lần uống: 6 tiếng. Khi dùng ibuprofen cần xin ý kiến bác sĩ vì có thể gây xuất huyết tiêu hóa nếu trẻ sốt cao do sốt xuất huyết, liều tính nhanh này chỉ dùng khi cấp bách, dưới y lệnh của bác sĩ.
Với trường hợp trẻ khó hạ sốt, khi trẻ sốt trên 38,5 độ C (hoặc 38 độ C với trẻ mệt quấy hoặc có tiền sử co giật do sốt), bố mẹ hãy cho trẻ uống hạ sốt Paracetamol, chườm ấm nách, bẹn.
Chờ 30 phút - 1 tiếng, cha mẹ nên đo lại nhiệt độ. Nếu nhiệt độ hạ thì theo dõi tiếp. Nhiệt độ của trẻ không hạ hoặc tăng cao hơn: gọi bác sĩ ngay.
Trong trường hợp không gọi được bác sĩ có thể cho trẻ cho uống 1 liều Ibuprofen nhưng phải đúng liều và theo dõi thêm trong 1 giờ. Nếu trẻ vẫn không hạ sốt cần cho trẻ đến viện ngay.
Trường hợp trẻ co giật, theo BS Vũ, cha mẹ nên bình tĩnh đặt con xuống giường hoặc sàn phẳng, tránh ngã, va đập vào đồ vật xung quanh, không ghì giữ trẻ , không nhét tay, đũa, khăn vào miệng trẻ. Sau khi hết cơn, chú ý cho trẻ nằm nghiêng bên đề phòng nôn trớ
Nếu sờ thấy nóng hoặc hơi nóng, đút đít 1 viên đạn Efferalgan (đúng liều) ngay vì sẽ sốt tăng rất nhanh. Nếu cơn co giật kéo dài, trẻ tím tái hoặc ngừng thở cần hà hơi thổi ngạt ép tim ngay và đưa trẻ tới bệnh viện kể cả với trẻ đã có tiền sử co giật do sốt.
K.Chi