Trẻ mắc Covid-19 nên ăn gì, kiêng ăn gì?
Trẻ mắc Covid-19 không nên ăn các loại gia vị cay nóng như hạt tiêu, hành tây, tỏi; hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật; tuyệt đối tránh thức ăn đã bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ.
Những ngày này, số trẻ mắc Covid-19 tại Hà Nội gia tăng nhanh chóng. Có những gia đình cả gia đình đều trở thành F0 trong đó có tới 2- 3 em nhỏ. Điều này khiến không ít bố mẹ hoang mang không biết chăm sóc cho con ra sao khi trẻ còn quá nhỏ.
“Con em sốt 2 ngày rồi. Bé không chịu ăn, ho nhiều, nôn trớ. Có cách nào cải thiện tình trạng này không các bác?”, đó là lời khẩn cầu của một bà mẹ có con 7 tháng tuổi mắc Covid-19 trên một diễn đàn dành cho các F0.
Số trẻ em mắc Covid-19 ngày một tăng. |
Tranh thủ sự lo lắng của các bà mẹ có con mắc Covid-1 nhiều loại thực phẩm tăng sức đề kháng…đã xuất hiện được các nhà thuốc đưa vào đơn thuốc bán cho các mẹ, các nhân viên bán hàng online cũng tranh thủ mọi cách tiếp cận đến với các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vấn đề dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong phòng, chữa bệnh cho trẻ F0.
ThS.BS. Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc phòng ngừa và chăm sóc cho trẻ, trong đó có dinh dưỡng cho trẻ mắc Covid-19 rất cần thiết.
Theo đó, để phòng ngừa không bị nhiễm Covid-19 cho trẻ, cần nâng cao đề kháng bằng dinh dưỡng hợp lý. Trong trường hợp trẻ mắc Covid-19, bệnh và các biến chứng có thể giảm nhẹ hoặc phòng tránh được.
“Chăm sóc dinh dưỡng tốt giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh và giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi mắc Covid-19. Chăm sóc dinh dưỡng rất quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19. Trẻ suy dinh dưỡng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh virus và biến chứng nặng.
Nếu trẻ bị nhiễm Covid-19, trong quá trình điều trị bệnh, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu trẻ suy dinh dưỡng mà mắc Covid-19 cần được áp dụng chế độ điều trị suy dinh dưỡng”, BS Nguyễn Văn Tiến nêu.
Theo đó, việc lựa chọn thực phẩm hợp lý và chế độ dinh dưỡng đúng cách sẽ mang lại lợi ích trong việc phòng và chữa bệnh cho trẻ.
Các bậc phụ huynh nên chú ý một số điểm sau:
Lựa chọn thực phẩm phù hợp, giàu dinh dưỡng cho trẻ
Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ: Bà mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Thực hiện cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu và phòng chống lây nhiễm tốt nhất với trẻ nhỏ. Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm, ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm chất bột đường, nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng với 15 loại thực phẩm).
Lưu ý, không quá kiêng khem ăn uống đối với trẻ để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.
Cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm. Đặc biệt các thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ bằng đường uống cho trẻ.
Cần cho trẻ ăn tăng thêm rau, quả có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, vitamin E, sắt, kẽm, selen.. giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương.
Các loại hoa quả, rau củ có nhiều vitamin này thường có màu vàng, đỏ như: cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu… và các loại rau có lá xanh sẫm như: rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, súp lơ xanh...
Ngoài ra, các loại quả khác giàu vitamin và khoáng chất giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho trẻ như bưởi, táo, lê,… cũng rất tốt.
Khi bị bệnh không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, hành tây, tỏi,…., hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật. Tuyệt đối tránh, không dùng các thức ăn đã bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ.
Bố mẹ nháo nhào mua thuốc kháng virus cho con mắc Covid-19 uống, đừng tốn tiền rước hoạ!
Tác hại của thuốc kháng virus với trẻ em còn nhiều nguy hiểm như: phản vệ hoặc nặng hơn là sốc phản vệ do quá mẫn với thuốc kháng virus SAR-CoV- 2; buồn nôn, nôn, tiêu chảy…
Chế độ dinh dưỡng cho từng nhóm trẻ
Với trẻ từ 1-2 tuổi: Vẫn tiếp tục cho bú mẹ, nếu mẹ không có sữa cho trẻ uống sữa ngoài từ 300-500 ml/ngày. Ăn 4 bữa cháo hoặc súp mỗi ngày. Ăn quả chín theo nhu cầu của trẻ.
Lượng thực phẩm trong ngày: gạo (100-150g); thịt hoặc cá, tôm (100-120g); trứng gà 3-4 quả/tuần; đầu mỡ (25-30 g); rau xanh (50-100g); quả chín (150-200g).
Trẻ từ 3-5 tuổi: ăn 4 bữa ngày, nhưng lượng ăn vào tăng lên, cho trẻ ăn những món trẻ yêu thích. Không cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt, quả chín trước bữa ăn.
Lượng thực phẩm hàng ngày dùng cho trẻ: gạo (200-300g); thịt hoặc cá, tôm (150-200g); dầu mỡ (30-40g), rau xanh (200-250), quả chín (200-300g), sữa (300-400 ml).
Trẻ mẫu giáo và học sinh: cần ăn uống điều độ, đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng theo từng lứa tuổi, nếu trẻ bị biếng ăn nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều quả chín, rau xanh.
Ngoài ra, BS Nguyễn Văn Tiến cũng hướng dẫn cách chế biến thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ mắc Covid- 19
Cần đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị, những thức ăn cần được cắt thái hoặc xay nhỏ hơn, chế biến mềm hơn, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh, thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp cho quá trình ăn nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn.
Hạn chế cách chế biến chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói, … không có lợi cho người bệnh.
Cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là khi trẻ đang sốt, nôn, tiêu chảy. Có thể cho trẻ uống nước quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác. Khi trẻ sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho trẻ uống dung dịch Oresol - một loại dung dịch để bù nước và điện giải theo hướng dẫn.
Sau khi trẻ đã khỏi bệnh, cần cho trẻ ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là 2 tuần để trẻ có thể nhanh chóng trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.
“Để dự phòng mắc bệnh cho trẻ, các phụ huynh cần giữ nhà cửa thông thoáng, tăng cường vệ sinh cá nhân (đặc biệt là vệ sinh mũi họng), giữ ấm cơ thể, dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng.
Khi mắc bệnh, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, thì cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất, bổ sung các vitamin và khoáng chất khác như vitamin A, C, E, D, sắt, kẽm, selen… giúp tăng cường miễn dịch”, BS Nguyễn Văn Tiến nêu.
N. Huyền
Thuốc kháng virus Molnupiravir chính ngạch khó mua, trên mạng bán nhan nhản, nhà thuốc kiến nghị gì?
Nhà thuốc Long Châu kiến nghị các cơ quan quản lý cho phép áp dụng cách chấp nhận video tự test nhanh của người bệnh và hoàn tất trả lời các câu hỏi tầm soát là cơ sở để có thể bán thuốc kháng virus Molnupiravir.
'Loạn' thực phẩm tăng đề kháng cho trẻ phòng Covid-19
Trong vòng 1 tuần qua, khi số ca mắc Covid-19 liên tục đạt đỉnh thì thị trường thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo giúp phòng bệnh Covid-19 cũng nhảy múa theo.
Loại thực phẩm rẻ tiền ngay trong gian bếp giúp phục hồi sức khoẻ hậu Covid-19, chống tái nhiễm
Một loại thảo dược rẻ tiền có sẵn trong nhà bếp, có tác dụng kích thích miễn dịch, kháng virus, kháng khuẩn... Sử dụng tỏi để phòng tái nhiễm Covid-19 bằng cách bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày, lên men tỏi mật ong hoặc dùng dầu tỏi...