Trẻ em lúng túng xử lý tình huống khi bị xâm hại
Sáng 4-12, tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, dự án “Quyền của trẻ em nhập cư có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM” thuộc Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM tổ chức hội thi “Kiến thức quyền trẻ em và phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”.
Hội thi thu hút khoảng 160 trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại quận 1, 7, 8, Tân Phú, huyện Bình Chánh và các em thuộc các dự án của hội tham gia.
Ở phần thi trả lời các câu trắc nghiệm như nạn nhân bị xâm hại tình dục cần làm gì, có phải chỉ có trẻ gái mới bị xâm hại tình dục hay hậu quả của việc bị xâm hại tình dục, hầu hết các em đều trả lời đúng.
Tuy nhiên, qua phần thi xử lý tình huống cụ thể, các em vẫn còn lúng túng. Cụ thể, khi trả lời một tình huống được đặt ra là có một bạn nữ đi về trên một con đường vắng vẻ vào đêm khuya bị một người đàn ông buông lời tục tĩu và xông tới khống chế thì một số bạn loay hoay không biết làm sao.
Một bạn đưa ra phương án: “Em sẽ đi theo người đàn ông đến nơi đông người để cho hắn không dám hành động”. Một bạn khác đề xuất: “Em sẽ đánh trả lại rồi chạy nhanh tới chỗ đông người”. Một bạn khác thì hiến kế: “Nếu nói lại không được mà hắn ta vẫn nhất quyết xông tới thì em sẽ tông thẳng xe vào hắn”. Một bạn khác thì ý kiến: “Em sẽ nghe theo đề nghị của hắn và dụ dỗ hắn cởi quần ra và đá vào hạ bộ của hắn, xong bỏ chạy”.
Nghe xong loạt trả lời, một thành viên ban giám khảo phản biện: “Đây là tình huống nguy hiểm cận kề rồi vì người đàn ông đã có hành động là xông tới khống chế mình. Một bạn nữ không thể nào có sức lực mà đánh trả lại nổi một người đàn ông, như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Ngoài ra, đây là đoạn đường vắng, chưa chắc gì đi theo người đàn ông là sẽ tìm được đoạn đường đông hơn. Hơn nữa, khi một người đã có ý đồ xấu thì sẽ không dại gì nghe lời ta mà cởi đồ ra trước. Như các kỹ năng các em đã học rồi, ở những nơi vắng vẻ thì phải cố gắng chạy thoát thật nhanh, vừa chạy vừa la cầu cứu, đường cùng mới chống trả bằng các thế võ tự vệ như đá vào hạ bộ”.
Nghe xong gợi ý của ban giám khảo, các bạn tham dự hội thi dường như mới thông suốt.
BS Trịnh Văn Hiệp, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế TP.HCM), thành viên ban giám khảo hội thi, nhận định: “Trước đây, kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục chưa được xã hội và gia đình quan tâm, xem như một nội dung cần trang bị cho các em học sinh, thanh thiếu niên.
Thời gian gần đây, cùng với tình trạng báo động về nạn xâm hại tình dục trẻ em thì kiến thức này mới dần dần từng bước được đưa vào nên các em còn thiếu hiểu biết và thiếu kỹ năng là chuyện bình thường. Người lớn có trách nhiệm hướng dẫn, đưa ra những tình huống cụ thể, gần gũi thực tế để trẻ thực hành, vận dụng linh hoạt, khôn khéo trong từng trường hợp”.
Tại Việt Nam, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục liên tục gia tăng với mức độ ngày càng phức tạp. Nếu trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13.
Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, trong năm năm (2011-2015), cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận tại Việt Nam trong những năm qua thực tế chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Nguồn PLO