Trẻ có tính ăn cắp vặt, cha mẹ cần làm gì?
Như “con mụ”… đồng nát
Chị Thanh (mẹ Minh Ngọc) chì chiết, cho rằng con mình học tính tắt mắt của bà. Vợ chồng chị đón bà từ quê lên ở cùng khi chị sinh bé Ngọc. Bà vẫn khỏe, lại thích chợ búa nên hàng ngày bà nhận việc đi chợ, cơm nước, trông cháu cho vợ chồng chị Thanh. Khi Minh Ngọc lẫm chẫm biết đi là bà đã cho theo đi chợ.
Trẻ học tính ăn cắp vặt từ người lớn (Ảnh minh họa) |
Hôm nào đi chợ về bà cũng khoe, thêm được ít hành, 3 củ tỏi hoặc vài quả ớt tiêu. Cứ ngỡ không có gì ghê gớm, nhưng chỉ đến một ngày khi thấy con cũng học tính ấy từ bà chị mới tá hỏa.
“Sang nhà hàng xóm chơi, thấy cái gì “ưng mắt” là thể nào con cũng tìm cách lấy về. Ba lô đi học của con ngày nào cũng dư ra một vài thứ. Lúc là mấy mẩu phấn, khi thì cái bút… Tôi hỏi con thì cháu hồn nhiên bảo, của bạn. Con thấy đẹp nên mang về. Tôi hỏi cháu bạn cho con hay con tự lấy thì cháu không nói. Chỉ đến khi tôi dọa phạt, cháu mới bảo con lấy khi bạn không để ý. Nhiều lần, tôi bắt cháu mang đi trả, thậm chí phạt nhưng không, vẫn tính nào tật ấy. Đến xấu hổ vì con. Lúc nào cũng như đồng nát… tha lôi đủ thứ linh tinh về nhà. Mà tôi có để cháu thiếu thứ gì đâu’ – chị Thanh phàn nàn.
Giải thích về tình huống này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trẻ nhỏ vốn sống bản năng hơn người lớn rất nhiều. Mỗi khi thích vật gì, trẻ sẽ có xu hướng muốn chiếm làm của riêng. Điều đó xảy ra gần như hầu hết các trẻ. Đó không phải là tính xấu mà chỉ là một sự trải nghiệm. Nếu sự trải nghiệm này được điều chỉnh sớm, đứa trẻ sẽ phát triển đúng hướng. Còn nếu không, nó có thể biến thành thói quen hoặc tính cách xấu.
Điều đáng lưu ý ở đây là nhiều lúc trẻ học tính xấu này từ chính người lớn trong nhà. Có thể trẻ chỉ bắt chước hành vi khi theo mẹ đi chợ (thấy mẹ cũng hay khều trộm một vài cọng hành, nhặt trộm một vài quả ớt hoặc sang nhà hàng xóm thấy vật gì bé bé xinh xinh là tìm cách nhét vào túi… mang về).
TS Hương cho rằng nếu cha mẹ có tính tắt mắt thì chắc chắn con trẻ cũng sẽ ảnh hưởng tính cách này. Bởi trẻ nhỏ phát triển năng lực cảm nhận từ trong bụng mẹ. Vì thế, chúng có khả năng bắt chước vô cùng tốt. Một việc làm mà trẻ thấy thú vị thì chỉ lướt qua trước mắt trẻ trong giây lát cũng có thể sẽ là một việc mà trẻ muốn trải nghiệm ngay sau đó.
Theo các chuyên gia tâm lý, điều này cũng hay xảy ra ở các cha mẹ hay xin xỏ. Với những gia đình có cha mẹ thường tò mò đồ đạc của người khác để xin, khả năng đứa trẻ cũng xin như thế là rất bình thường. Vì thế, trẻ sẽ không có thói quen tôn trọng các vật riêng tư của người khác.
Bố mẹ hãy làm gương
Thói quen ăn cắp vặt hay cầm nhầm rõ ràng là rất xấu. Nhiều người không ăn trộm những thứ lớn và thậm chí họ cũng chẳng cần mấy thứ đó nhưng nếu đã thành thói quen, họ thích thì vẫn cứ lấy về cất giấu. Với nhân cách méo mó, chắc chắn cuộc sống của chính họ và người xung quanh sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Đó là chưa tính đến hành vi nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu hình sự.
Vì vậy, TS Hương nhấn mạnh, muốn dạy con ngoan, trước tiên, cha mẹ phải rất gương mẫu. Cha mẹ đương nhiên phải rất rõ ràng về tính sở hữu. Đồ đạc của ai người đó sử dụng và không động chạm vào đồ của người khác. Ở trong gia đình cũng vậy, chúng ta càng rõ ràng chuyện đó, càng dễ dạy trẻ nghiêm túc về vấn đề này.
"Ngoài ra, đồ dùng của trẻ cũng cần phải được cha mẹ tôn trọng. Tôi biết có không ít cha mẹ thản nhiên lấy đồ của con mình cho người khác mượn hoặc đem cho. Họ nghĩ rằng họ đã mua cho trẻ thì họ có toàn quyền. Điều này có thể nói đã thể hiện sự thiếu tôn trọng trẻ và có thể khiến trẻ không rạch ròi được về chuyện cần tôn trọng đồ vật của người khác" - TS Hương chia sẻ.
Nếu lần đầu tiên phát hiện ra điều này, cha mẹ nào cũng vô cùng sốc. Tuy nhiên, TS Hương khẳng định là mọi chuyện không quá nghiêm trọng. Trẻ đang thử trải nghiệm mà thôi. Vì thế, điều bố mẹ cần làm lúc này là hãy cho con biết nỗi khổ sở của người bị mất đồ đạc.
“Bố mẹ có thể kể cho con nghe hoàn cảnh của 1 người bị mất sạch đồ đạc do trộm cắp, hoặc người bị bệnh nặng đã bị mất số tiền duy nhất dùng để chữa bệnh. Đánh động vào lòng trắc ẩn của con sẽ khiến con phải nhìn lại hành vi của mình. Một lưu ý là, cha mẹ tuyệt đối không trách mắng con. Tiếp tục theo dõi con và điều chỉnh hành vi của con sớm. Một hai lần “cầm nhầm” không biến thành tội phạm được đâu. Các cha mẹ hãy kiên nhẫn dạy con và tin tưởng vào con”- TS Hương nhấn mạnh.