Trẻ béo, mẹ được khen nuôi con giỏi nhưng đối diện đủ thứ bệnh
Trong thời gian qua không chỉ dịch Covid-19 mà ngay cả với tay chân miệng, sốt xuất huyết với thể trạng trẻ béo phì cũng dễ biến chứng, trở nặng hơn. Quản lý cân nặng của con là chìa khóa giúp trẻ khỏe mạnh.
Tác hại sức khỏe khi trẻ béo
Bệnh nhi Tr. M. Đ. 12 tuổi, nam, ngụ ở quận Bình Tân, TP.HCM, dư cân béo phì với cân nặng 67kg (bình thường ở lứa tuổi này khoảng 34-36 kg). Dư gần 30 kg so với các bạn cùng trang lứa, Đ. vào viện cấp cứu với hai lá phổi bị tàn phá nặng nề.
Cậu bé bị đồng nhiễm Covid-19 lẫn sốt xuất huyết Dengue nặng gây sốc, tổn thương gan thận và tràn dịch màng phổi, màng bụng lượng nhiều. Các bác sĩ phải giành giật từng hơi thở, từng khoảng tối trên phim XQ.
Đây là trường hợp hiếm gặp trẻ vừa đồng nhiễm Covid-19 vừa mắc sốt xuất huyết, gây nhiều khó khăn cho các bác sĩ điều trị vì sốc sốt xuất huyết không có chỉ định sử dụng thuốc chống đông, chống viêm vì có thể gây nguy cơ xuất huyết nhiều hơn.
BS Nguyễn Cát Phương Vũ – Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM cho biết trong đợt dịch Covid-19 vừa qua đa số trẻ bị nặng phải can thiệp hỗ trợ y tế đều là trẻ béo phì. Có trẻ chỉ 13 – 14 tuổi đã nặng lên tới cả trăm kg. Béo phì khi nhiễm các bệnh khác cũng dễ trở nặng hơn.
Ngoài ra, ThS BS Nguyễn Thị Phương Khanh – Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cho biết không chỉ nặng hơn khi mắc bệnh truyền nhiễm, với trẻ béo phì cũng đối diện với nguy cơ đái tháo đường tuyp 2. Bình thường, bệnh đái tháo đường ở trẻ em hay gặp là đái tháo đường type 1 xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin.
Trong khi đó, đa phần trẻ mắc đái tháo đường type 2 ở Việt Nam cũng ngày càng gia tăng đi liền với chứng thừa cân, béo phì, do lối sống thiếu cân bằng và chứng ăn uống thiếu điều độ gây nên.
Một trẻ dư cân cấp cứu vì sốt xuất huyết. |
Theo bác sĩ Khanh, việc chẩn đoán đái tháo đường sẽ trải qua những giai đoạn như thực hiện xét nghiệm nước tiểu (tìm glucose và ceton), xét nghiệm máu (đánh giá lượng đường huyết). Trường hợp bạn vẫn nghi ngờ, có thể làm thêm một xét nghiệm máu nữa gọi là xét nghiệm dung nạp glucose.
Với trẻ đái tháo đường khuyến nghị điều trị đầu tay bao giờ cũng là giảm cân cho trẻ và thay đổi lối sống. Nếu điều trị không đúng trẻ đối diện với rất nhiều biến chứng. Trong khi đó, giảm cân ở trẻ thường rất khó.
Phụ huynh ai cũng thích con mình bụ bẫm trắng trẻo. Thực ra thì bé béo mập chỉ nhìn dễ thương, đã mắt và được khen nuôi con giỏi nhưng nó để lại nhiều tác hại sức khỏe.
Giảm cân cho trẻ như thế nào?
Theo bác sĩ Bùi Thu Phương – Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết béo phì thường được chia làm hai loại: Đơn thuần và bệnh lý. Trong đó béo phì đơn thuần là hay gặp trong lâm sàng và cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thay đổi cân bằng năng lượng: năng lượng thu vào tăng, năng lượng tiêu hao giảm đưa đến hậu quả tăng tích lũy mỡ.
Nguyên nhân của béo phì đơn thuần rất phức tạp. Nó là hậu quả của nhiều yếu tố kết hợp, là sự tương tác giữa di truyền và yếu tố môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ bị béo phì. Yếu tố di truyền trong đó kiểu gen đóng góp 40% trong nguyên nhân gây béo phì.
Nếu bố mẹ béo, con dễ bị béo hơn trẻ mà bố mẹ không béo; một trong hai bố mẹ béo phì, nguy cơ con bị béo tăng lên gấp 3 lần; nếu cả hai bố mẹ béo, nguy cơ này tăng lên gấp 10 lần. Mẹ béo dễ làm con nhỏ béo hơn là bố béo.
Ngoài ra, với trẻ có cân nặng lúc sinh trên 4 kg, số lượng thức ăn quá nhiều so với nhu cầu, thành phần các chất trong thức ăn không cân đối (nhiều mỡ đường, ít rau quả); ở các nước phát triển trẻ có mức sống thấp có tỷ lệ béo phì tăng.
Để điều trị béo phì, bác sĩ Phương cho rằng chủ chốt là giảm tốc độ tăng cân, để trẻ phát triển chiều cao.
Điều chỉnh chế độ ăn là một việc làm quan trọng, trẻ nhỏ nên được bú sữa mẹ, calo và protein đủ, giảm mỡ. Trẻ lớn nên cho uống sữa không đường, hạn chế các món xào, ăn đều các bữa, không bỏ bữa và không nên ăn quá no, không ăn nhiều về đêm, tăng hoa quả, rau.
Đặc biệt, cha mẹ kông cho trẻ uống nhiều nước ngọt có ga, hạn chế dùng bánh kẹo, sữa đặc có đường; trước khi đi ngủ, không nên cho trẻ ăn.
Luyện tập thể dục thể thao cần được tăng cường, cho trẻ làm việc nhà, hạn chế xem ti vi và trò chơi điện tử. Cần theo dõi quá trình điều trị bằng việc theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ định kỳ; giám sát chế độ ăn, chế độ hoạt động, thể dục của trẻ.
Khánh Chi