Tranh cãi việc công khai điểm thi: Bộ GD&ĐT nói gì?
Vừa qua, trên trang Facebook cá nhân của mình, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (giảng viên Đại học tại Hà Lan, tác giả cuốn "Con đường Hồi giáo") chia sẻ: “Tôi chết đứng người khi biết điểm thi vào trung học của học sinh hoàn toàn công khai thông qua các trang tra cứu. Ai cũng có thể lên mạng gõ tên sẽ ra vùng thi, số báo danh và ̣điểm từng môn của thí sinh. Bạn bè, người quen, con cái đồng nghiệp và hàng xóm, người nổi tiếng, con người nổi tiếng... gõ tìm là ra hết.”
Tên trẻ con giờ bố mẹ đặt cho rõ là kêu, ít có chuyện cả trăm đứa y chang nhau như ngày xưa, gõ thử tên con gái của bạn tôi trên phạm vi cả nước mà cũng ra. Điểm số hồi chưa công bố đã thấy học sinh tự tử, giờ công bố kiểu này thì sẽ ra sao?
Ai cho phép báo chí và nhà quản lý có quyền xâm phạm nghiêm trọng đến quyền về đời sống riêng tư của công dân như vậy? Luật Trẻ em thậm chí còn nghiêm cấm chia sẻ thông tin mà không có sự đồng ý của trẻ nhỏ trên 7 tuổi, huống chi đây là những bạn trẻ đang ở độ tuổi dễ tổn thương, nhạy cảm nhất với danh tính cá nhân và giá trị bản thân?”.
Chỉ trong một thời gian ngắn chia sẻ, đoạn status này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Nhiều người cũng cho rằng việc công khai điểm thi của thí sinh một cách rộng rãi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các con và có thể có những hệ lụy về sau.
Việc Bộ GD&ĐT công khai điểm thi của thí sinh có hợp lý? |
Chị Nguyễn Ngọc Bích (Tây Hồ - Hà Nội) cho hay: “Tôi hoàn toàn phản đối việc Bộ GD&ĐT công khai toàn bộ điểm thi của thí sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Những cháu điểm cao thì không nói làm gì nhưng những thí sinh điểm thấp sẽ thế nào khi cả xã hội có thể biết được điều mà chúng đang muốn trốn tránh, giấu giếm?
Học sinh vừa mới tốt nghiệp THPT là lúc tâm lý các con chưa thực sự ổn, dễ bị tổn thương. Việc công khai điểm thi sẽ vô tình gây tổn thương với những thí sinh điểm kém, không biết điều này Bộ GD&ĐT đã tính đến chưa?
Tại sao Bộ GD&ĐT không để thí sinh dùng số chứng minh thư hay một mã số nào đó để đăng nhập và xem điểm của mình? Theo tôi được biết, ở nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển, họ rất coi trọng quyền riêng tư, những thông tin cá nhân hay bảng thành tích học tập của học sinh”.
Đồng tình với ý kiến trên, em H.N.A (học sinh THPT Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ: "Em thực sự thấy rất phiền lòng với việc điểm thi của em bị công bố rộng rãi và ai cũng có thể xem được.
Em có những kế hoạch của riêng mình sau kỳ thi THPT quốc gia nhưng cuối cùng mọi chuyện lại hỏng hết. Em muốn đi du học nhưng bố mẹ em lại muốn em học ĐH trong nước.
Vì thế, em có nói nếu đủ điểm vào ĐH Kinh tế Quốc dân thì em sẽ ở Việt Nam còn nếu không em muốn được sang Úc. Giờ thì cả nhà đều biết em được 26,5 điểm và em biết bố mẹ sẽ không cho em đi du học.
Đó là chưa kể bạn bè em đồn thổi, tại sao học thế mà điểm thi lại cao? Hay nhìn bài của ai. Em thực sự thấy rất mệt mỏi".
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với báo chí Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Có hay không việc công khai điểm của thí sinh sẽ vi phạm về quyền riêng tư Bộ GDĐT đã từng đặt ra trước đó”.
Những năm trước đây, thí sinh muốn biết điểm thì phải qua quá trình đăng nhập chứ Bộ GD&ĐT không công khai điểm một cách rộng rãi.
“Bộ GD&ĐT công khai điểm của tất cả các thí sinh để thể hiện sự minh bạch của kỳ thi. Nếu cơ quan về pháp luật nói việc công khai điểm thi vi phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh.”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay.