Trăn trở của giáo viên huyện Mù Cang Chải trước thềm năm mới
Nhắc đến huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có lẽ chúng ta sẽ nhớ ngay trận lũ quét kinh hoàng xảy ra rạng sáng ngày 3/8/2017.
Trận lũ lịch sử đã khiến 15 người ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chết và mất tích; thiệt hại hơn 160 tỉ đồng. Lũ đi qua, để lại cảnh hoang tàn, bộn bề và đau thương và trường THCS Cao Phạ - một trong những trường bị tàn phá nặng nề trong trận lũ ấy.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến Mù Cang Chải để chia sẻ và động viên thầy cô giáo, gia đình các học sinh vừa trải qua trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến Mù Cang Chải để chia sẻvà động viên thầy cô giáo, gia đình các học sinh vừa trải qua trận lũ ống ngày 18/8/2017 |
Từ đó đến nay, các thầy cô tại trường THCS Cao Phạ vẫn đang oằn mình trước những khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2017 – 2018. Nhân dịp năm cũ đã qua, năm mới đã đến, PV báo điện tử Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Trung Dũng (SN 1977) – hiệu trưởng trường THCS Cao Phạ (Yên Bái).
PV: Thưa ông, được biết trường THCS Cao Phạ là một trong những trường khá khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Nhà trường đã nỗ lực thế nào để vượt qua những khó khăn đó?
Ông Nguyễn Trung Dũng: Thực ra, quê gốc của tôi ở tại huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) chứ không phải gốc ở Yên Bái.
Năm 2000, ngay sau khi tốt nghiệp sư phạm tôi đã xung phong lên công tác tại huyện Mù Cang Chải và được phân công về trường THCS Cao Phạ. 18 năm gắn bó, ngôi trường này đã trở thành một phần cuộc sống của tôi, linh hồn tôi.
Hiện nay như mọi người đã biết nhà trường còn khó khăn rất lớn về cơ sở vật chất như : Thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng… Đường đến lớp của các em nhỏ người Mông trên rẻo cao huyện Mù Cang Chải cũng nhiều khó khăn, vất vả. Dù được các thầy cô động viên, chia sẻ nhưng buộc các em phải vượt lên chính mình để đến với chân trời tri thức phía trước.
Năm học 2017 -2018 nhà trường có 12 lớp với 418 học sinh trong đó học sinh Bán trú là 232 cháu. Học sinh của nhà trường chủ yếu thuộc dân tộc Mông và dân tộc Thái.
Trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 90% học sinh toàn trường. Hầu hết kinh tế gia đình các em rất khó khăn và đều thuộc diện hộ nghèo. Xong với sự nỗ lực của Ban giám hiệu nhà trường cùng các thấy cô giáo không quản ngại khó khăn, thường xuyên đến gia đình các em động viên để các em đến trường đến lớp, tổ chức họp bản để tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật và nhà nước đến nhân dân, nhất là các chủ trường về GD&ĐT....
Giáo viên chủ nhiệm cũng nắm rõ hoàn cảnh từng em và có giải pháp phù hợp với từng em nếu em nào nghỉ hai ngày không đến trường là giáo viên phải đến nhà ngay vận động các em trở lại trường.
Ví như em Hà Thị Bông – người dân tộc Thái hiện em đang học lớp 8A của nhà trường, gia đình em rất khó khăn. Bố đi tù, mẹ đi lấy chồng, hiện nay em Bông ở với ông bà nội. Cuối năm học lớp 7 em đã nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn và cũng vì mặc cảm.
Trước tình hình đó, Ban giám hiệu cùng cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần xuống gia đình thuyết phục, động viên em, cuối cùng em đã trở lại trường học bình thường....
PV: Thưa ông, hiện nay, đời sống của giáo viên nhà trường anh ra sao trước những khó khăn trên?
Ông Nguyễn Trung Dũng: Đời sống giáo viên hiện nay với mức lương cơ bản là đảm bảo so với hành chính sự nghiệp xong khó khăn vì phải xa gia đình. Phần lớn giáo viên của nhà trường là những giáo viên miền xuôi xung phong lên vùng khó khăn công tác.
Mỗi khi muốn về thăm nhà cũng phải vượt qua quãng đường rất xa và khá vất vả. Điều đáng mừng là những điều ấy không ngăn được sự nhiệt huyết với nghề và tình thương với những học sinh dân tộc của các thầy cô.
Ông Nguyễn Trung Dũng – hiệu trưởng trường THCS Cao Phạ (Yên Bái) |
PV: Công tác tại trường đã 18 năm,điều gì đã khiến ông trăn trở nhất?
Ông Nguyễn Trung Dũng: Điều khiến tôi trăn trở nhất hiện nay là đời sống của nhân dân trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, cuộc sống của người dân chủ yếu là nương rẫy không có nghề phụ.
Bên cạnh đó, nhận thức của phụ huynh về về việc học của các cháu chưa được cao. Hi vọng rằng sắp tới, sẽ có nhiều chính sách và cơ chế phù hợp hơn nữa cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số nhất là công ăn việc làm sau khi các cháu học xong phổ thông, học nghề, học cao đẳng và đại học.
Bởi lẽ, một thực trạng khá đau lòng và nhiều người không muốn cho con đi học là bởi vì đa phần học xong, các cháu không kiếm được việc làm. Rồi lại thất nghiệp, lại quay đầu về với nương rẫy sau bao năm dùi mài kinh sử.
PV: Năm 2018 sắp đến, ông muốn gửi gắm điều gì đến giáo viên và học sinh của nhà trường?
Ông Nguyễn Trung Dũng: Nhân dịp năm mới 2018 sắp đến mình mong muốn các thấy cô giáo và các em học sinh có một sức khỏe tốt để giảng dạy và học tập. Chúc cho gia đình các em kinh tế phát triển hơn năm 2017 để các em yên tâm học tập.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!