Trần Bạch Đằng – Người cộng sản kiên trung, mẫn cảm với thời cuộc
Ông Trần Bạch Đằng khi còn trẻ và lúc đã cao tuổi. Ảnh: Internet |
Tham dự buổi hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải cùng nhiều cán bộ lão thành cách mạng và các nhà nghiên cứu khác.
Trong bài tham luận gửi Hội thảo, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh ông Trần Bạch Đằng đã thể hiện trọn vẹn là một người chiến sĩ cách mạng trung kiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn kiên định, lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng.
Đề cập đến những chuyện nhức nhối hiện nay, ông Thăng cho rằng, việc phòng, chống những sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên, thái độ kiên quyết đấu tranh với tình trạng tham ô, tham nhũng là những vấn đề ông Trần Bạch Đằng luôn suy nghĩ từ rất lâu.
“Hơn 20 năm trước, đồng chí đã kiến nghị về việc ban hành một đạo luật phòng, chống tham nhũng làm cơ sở pháp lý hữu hiệu để ngăn ngừa và trừng trị "quốc nạn" này…. Gần 10 năm sau, tháng 11 năm 2005, kiến nghị này của đồng chí Trần Bạch Đằng mới trở thành hiện thực. Điều đó cho thấy sự trăn trở, mẫn cảm với thời cuộc của một bậc lão thành cách mạng” – ông Thăng viết.
Dẫn chứng ra nhiều bài viết của ông Trần Bạch Đằng, ông Thăng chia sẻ rằng “không quá lời khi khẳng định những ý kiến trên của đồng chí mang tính dự báo, tiên lượng rất cao”.
Cuối cùng vị Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng: “Cách tốt nhất để chúng ta tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân là phải quyết tâm trở thành những người kế tục xứng đáng, không ngừng làm rạng rỡ sự nghiệp mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng và vun đắp. Đó cũng là những gì mà đồng chí Trần Bạch Đằng đã kiên trì truyền lại cho chúng ta bằng cả cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Khung cảnh buổi hội thảo |
Trong khi đó nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cũng dành những lời ca ngợi rất chân thành khi nhắc tới ông.
“81 tuổi đời, 64 tuổi Đảng, 66 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Bạch Đằng luôn kiên định lý tưởng của Đảng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; sống, chiến đấu và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng đến giây phút cuối cùng” – ông Hải chia sẻ.
Cũng theo ông Lê Thanh Hải, ông Trần Bạch Đằng luôn thể hiện khí phách hào hùng, đầy bản lĩnh, song cũng chan chứa chất trữ tình và chiều sâu của sự suy tưởng.
Chính vì vậy “Dù ở vị trí nào, đồng chí cũng bộc lộ một trí tuệ mẫn tiệp, một tư duy sâu sắc, kiến giải những vấn đề phức tạp hết sức thấu đáo, chỉ rõ bản chất và cách giải quyết căn cơ, khả thi mà trí tuệ ấy, tư duy ấy đến từ một quá trình không ngừng tự học tập, không ngừng trau dồi từ thực tiễn đấu tranh cách mạng sôi sục, từ một cuộc sống gắn bó mật thiết với Nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu Nhân dân, suy nghĩ cho cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn của Nhân dân” – ông Hải cho hay.
Ông Hải cũng cho biết, đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời ông Trần Bạch Đằng vẫn nghĩ về trách nhiệm với Đảng, nỗi trăn trở, đau đáu lo cho dân, cho nước, cho sự nghiệp của Đảng.
Trong mọi hoàn cảnh ông luôn tỏ rõ tinh thần khí khái, niềm lạc quan, luôn sống mãi với tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết; luôn đứng về phía Nhân dân và luôn kỳ vọng vào thế hệ trẻ, hết lòng chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ, kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
“Thời gian sẽ làm nhòa đi nhiều thứ, nhưng những người như đồng chí Trần Bạch Đằng chắc chắn để lại những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, trong lịch sử cách mạng của Nhân dân” – ông Lê Thanh Hải tri ân.
Ông Lê Thanh Hải đọc tham luận tại hội thảo |
Ông Nguyễn Thọ Chân – nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, dù không có nhiều dịp làm việc chung nhưng với ông thì ông Đằng luôn là một người đồng chí mẫu mực, sáng ngời đạo đức cách mạng.
“Đó là một người vui vẻ, hay trêu đùa đồng chí với cái miệng méo xệch!” – ông Chân hài hước nói và nhắn nhủ cán bộ lãnh đạo ngày nay phải quyết đoán như ông Đằng vì làm được như vậy, dám táo bạo như vậy mới thành công.