Trải lòng của người cuối cùng giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội
Theo nghề truyền thống của gia đình vợ, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn lại duy nhất gia đình ông Nguyễn Văn Hòa giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội. Là sản phẩm kén khách nhưng độc đáo, không lúc nào vợ chồng ông ngơi việc.
Những ngày này, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa (67 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (63 tuổi) ở phố Hàng Than (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang tất bật sản xuất những chiếc mặt nạ giấy bồi để giao cho khách đúng dịp Trung thu. Đây là những sản phẩm truyền thống được làm hoàn toàn bằng cách thức thủ công.
Ông Nguyễn Văn Hòa vẽ hình trên mặt nạ giấy bồi. |
Trong căn nhà nhỏ ở tầng hai trên phố Hàng Than, ông Hòa miệt mài, tỉ mỉ vẽ những họa tiết lên chiếc mặt nạ. Với ông, các hình ảnh này đã ăn sâu trong tâm trí nên khi làm ông không cần nhìn bất cứ hình mẫu nào.
“Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ. Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem. Tất các giai đoạn đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo; cần một chút nhẫn nại để tạo ra những hình thù như mình mong muốn”, ông Hòa nói.
Bà Đặng Hương Lan, vợ ông Hòa cẩn thận sắp xếp các sản phẩm một cách gọn gàng. |
Được biết, đây vốn là nghề truyền thống của gia đình vợ ông Hòa. Tính đến thời điểm hiện tại, ở Hà Nội chỉ còn duy nhất gia đình ông theo nghề này, làm quanh năm suốt tháng không ngơi nghỉ.
“Nghề làm mặt nạ giấy bồi là nghề truyền thống của gia đình vợ tôi, bà Đặng Hương Lan. Nhà bà Lan có 7 anh chị em nhưng không có ai theo nghề của các cụ. Năm 1979 tôi lấy vợ, rồi được bố vợ truyền nghề. Ngày đó tôi vẫn đi làm công chức nhà nước, chỉ làm mặt nạ vào những thời gian rảnh rỗi, các sản phẩm chủ yếu là vợ tôi làm. Từ khi về hưu, ngày nào tôi cũng gắn bó với công việc này”, ông Hòa kể.
Hiện nay mặt nạ giấy bồi không còn được ưa thích như trước kia, bởi trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mặt nạ mẫu mã đẹp và rẻ do được sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, với niềm đam mê với nghề và muốn giữ lại nghề truyền thống của gia đình, vợ chồng ông vẫn tiếp tục duy trì công việc này.
Trong nhà ông Hòa hiện nay có gần 30 chiếc khuôn mẫu các hình thù được đúc bằng xi măng, để tạo nên những ''khuôn mặt'' truyền thống như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, trâu, lợn….
Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi phải trải qua khá nhiều công đoạn như chọn giấy trắng A4, xé giấy ra từng miếng nhỏ. Sau lớp A4 đến lớp thứ hai là lớp bìa, lớp thứ ba, thứ tư là lớp giấy học sinh tùy theo độ dày mỏng của mặt nạ. Sau đó, bôi hồ rồi dán vào những chiếc khuôn đá tự thiết kế. Việc đóng khuôn cho mỗi chiếc mặt nạ như thế này được thực hiện trong khoảng thời gian từ 5 - 10 phút. Khi giấy khô sẽ đến công đoạn vẽ hình lên mặt nạ.
Sau khi vẽ xong, mặt nạ sẽ được đem phơi khô, mà phải phơi khô tự nhiên thì mới giữ được hình dáng và màu sắc như ban đầu.
Các loại giấy được chuẩn bị đầy đủ sẽ được bôi hồ rồi dán vào các khuôn đá tự thiết kế. Mỗi chiếc mặt nạ được sản xuất trong khoảng thời gian từ 5 - 10 phút. |
Việc tô màu phải thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng thì mới ra được cái “hồn” của mặt nạ. |
Khoảng 40 năm nay, gia đình ông Hòa vẫn kiên trì theo nghề làm mặt nạ giấy bồi. |
Sau khi vẽ xong, mặt nạ được đưa đi phơi khô tự nhiên. |
Năm nay gia đình ông làm được khoảng hơn 3.000 chiếc mặt nạ giấy bồi để bán cho khách. |
Những chiếc mặt nạ giấy bồi được bán ra thị trường với giá từ 30 - 70 nghìn đồng, tùy theo kích thước. |
Bảo Khánh