Trái Đất có đại dương thứ năm và đây là vị trí chính xác trên bản đồ thế giới
Trái Đất chính thức có đại dương thứ năm. Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ đã tiết lộ chi tiết về vị trí trên bản đồ thế giới.
Bên cạnh 4 đại dương trên thế giới Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương, mới đây, các nhà khoa học tuyên bố Trái Đất chính thức có đại dương thứ 5 mang tên 'Nam Đại Dương'.
Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society), cơ quan phát hành bản đồ thế giới từ năm 1915, đã tuyên bố công nhận về đại dương thứ năm trên Trái Đất vào ngày Đại dương thế giới.
Đại dương mới được xác định bằng dòng chảy hải lưu Nam cực, không phải bằng vị trí địa lý và các mảng kiến tạo như 4 đại dương trước đó.
Hình thành cách đây khoảng 34 triệu năm, khi Nam Cực và Nam Mỹ tách ra do tác động của việc trôi dạt lục địa, dòng chảy hải lưu Nam cực ACC chảy ngược chiều kim đồng hồ quanh Nam Cực trong một dải dao động nằm ở vĩ độ 60.
Trái Đất có đại dương thứ năm và đây là vị trí chính xác trên bản đồ thế giới |
Bên trong dòng chảy, trải dài từ bề mặt đến đáy đại dương, nước lạnh hơn và ít mặn hơn so với nước ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ba đại dương lại chính là nguồn cung cấp năng lượng cho ACC, vận chuyển nhiều nước hơn bất kỳ dòng chảy hải lưu nào khác, giúp thúc đẩy vòng tuần hoàn toàn cầu.
Alex Tait, nhà địa lý của Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ cho biết: "Các nhà khoa học từ lâu đã phát hiện về vùng biển phía Nam nhưng đến bây giờ mới công bố chính thức vì có những ý kiến không đồng nhất và không có thỏa thuận quốc tế chung. Chúng tôi xác định Nam Đại Dương theo cách hơi khác so với các đại dương trước đó".
Nam Đại Dương có hệ sinh thái phong phú ở vùng nước lạnh giá, là nơi sinh sống của các sinh vật biển tuyệt vời như cá voi, chim cánh cụt và hải cẩu. Đây là đại dương duy nhất tiếp xúc với 3 đại dương khác và bao trùm toàn bộ một châu lục, không bị các châu lục khác nằm bao quanh như 4 đại dương còn lại.
Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ luôn có một nhà địa lý cụ thể làm nhiệm vụ giám sát tất cả các chỉnh sửa bản đồ thế giới kể từ cuối những năm 70.
Kể từ năm 2016, ông Alex Tait đã giữ vai trò này. Ông làm việc với một nhóm các nhà địa lý, biên tập viên nắm bắt các sự kiện thay đổi xã hội và chính trị hiện tại.
Theo Alex Tait, các chỉnh sửa nhỏ diễn ra thường xuyên hàng tuần. Tuy nhiên, những thay đổi lớn, như việc ghi nhận vị trí Nam Đại Dương là rất hiếm.
Dòng chảy hải lưu Nam cực có tác động đáng kể đến khí hậu Trái Đất. Dòng nước lạnh hơn, dày đặc hơn ngoài khơi Nam Cực giúp lưu trữ carbon sâu trong đại dương. Bằng cách bao quanh những vùng nước lạnh giá phía nam này, ACC giữ cho Nam Cực một môi trường sinh thái khác biệt cho hàng ngàn loài sinh vật chỉ có ở Nam Đại Dương.
Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ hy vọng bản đồ phiên bản sửa đổi mới giúp mọi người nghĩ khác về Nam Đại Dương, từ đó khuyến khích, lên kế hoạch bảo tồn.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sự thay đổi khí hậu do con người thúc đẩy đang làm ấm các vùng nước di chuyển qua Dòng hải lưu Nam Cực. Chưa rõ điều này ảnh hưởng đến lục địa cực nam ở mức độ nào, nhưng các chuyên gia cho biết băng và thềm Nam Cực tan nhanh nhất đã xảy ra ở nơi ACC gần đất liền nhất.
Chiêm ngưỡng nhật thực đầu tiên trong năm 2021
Nhật thực vành lửa độc đáo sẽ xuất hiện vào chiều ngày 10/6.
Hoàng Dung (lược dịch)