Trách phạt học sinh thế nào để không 'phản giáo dục'
Tuy nhiên, khó có giáo viên nào đảm bảo tuyệt đối những nguyên tắc trên, quan trọng là họ cố gắng hết sức để tuân theo. Yếu tố quan trọng hơn cả trong giao tiếp sư phạm là mục tiêu hình thành và phát triển toàn diện nhân cách cho người học một cách đúng đắn.
Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng. |
Ngoài ra, trong các phương pháp giáo dục học sinh có phương pháp trách phạt theo các mức độ nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo nhằm biểu thị sự không đồng tình, phản đối, phê phán hành vi chưa đúng của người học. Mục tiêu cuối cùng là điều chỉnh hành vi, nhận thức mức độ nặng nhất là đuổi học.Theo ông Huân, nếu trách phạt "đúng người – đúng tội" và hình phạt phù hợp thì không thể nói giáo viên làm sai. Ngược lại, nếu vì cảm xúc cá nhân, phạt một cách cảm tính, thiếu giải thích và cố tình vi phạm nguyên tắc sư phạm, luật trẻ em thì giáo viên sai ngay từ đầu.
Nêu quan điểm về hai giáo viên vừa bị kỷ luật vì phạt học sinh ngậm bút và tự tát, ông Huân nói: "Trường hợp bắt học sinh ngậm bút thực sự sẽ nhận được nhiều sự đồng tình hơn trong khi việc bắt học sinh tự tát theo cấp số thì khó cảm thông. Mọi tổn thương về thể chất, tinh thần đều ảnh hưởng đến học sinh nên nếu phạt trẻ, điều quan trọng là phải giúp học trò nhận ra lỗi của mình và ý thức sửa sai".
Nếu mục tiêu này không được đảm bảo thì tác dụng tiêu cực sẽ để lại trong tâm lý đứa trẻ nhiều hơn là tích cực. Trẻ do đó có thể tự ti, xấu hổ, ghét đi học, khó chịu với giáo viên nếu áp dụng các hình phạt "vô lý".
Phạt trẻ theo tinh thần kỷ luật tích cực
Xét tâm sinh lý của học sinh tiểu học, trẻ có xu hướng chung là hiếu động, tập trung không lâu, dễ phân tán chú ý, sự tuân thủ kỷ luật còn thấp, nhận thức còn đơn giản, dễ cảm xúc và "cả thèm chóng chán".
Muốn khắc phục phải trông chờ vào sự giáo dục của người lớn, trong đó có vai trò quan trọng của thầy cô, ngoài thương yêu, bảo ban, tâm lý, tôn trọng... thì nhất thiết trẻ cần được rèn luyện về mặt kỷ luật, nội quy và phạt trẻ là một trong những phương pháp cần cân nhắc để áp dụng.
"Phạt trẻ phải theo tinh thần kỷ luật tích cực, tránh giận cá chém thớt, cảm tính, phạt để 'hả hê' cơn giận cá nhân và thiếu cái nhìn thấu đáo, phản sư phạm, trái với các nguyên tắc giáo dục, tâm lý lứa tuổi", ông Huân nói.
Các hình phạt mà giáo viên có thể cân nhắc như nhắc nhở nhẹ nhàng, phân tích điều chưa đúng và để trẻ tự đề ra hướng giải quyết, nghiêm khắc và kiên quyết về mặt thời gian, viết cảm xúc cá nhân và lời hứa, trò chuyện riêng và khiển trách kèm theo những chỉ dẫn để trẻ sửa sai. Nặng hơn nữa là phạt đứng riêng một góc và suy nghĩ về lỗi lầm của mình.
"Giáo dục hiện đại dứt khoát không cổ súy cho các hình phạt mang tính bạo lực cả về tinh thần, lẫn thể chất như chửi mắng, xúc phạm, đánh đập, hành xác trẻ như dang nắng, quỳ gối...", ông Huân nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Huân, cần nói thêm vai trò của dư luận từ phụ huynh trong vấn đề giáo dục con trẻ. Thay vì lên tiếng phản đối bất kì hình phạt nào của thầy cô, phụ huynh nên cân nhắc lời nói, hành vi và cách phản ứng của mình liệu có "tinh tế, văn hóa" hay chưa.
Nếu không để ý và cổ súy cho cả cái sai rất rõ ràng của con cái thì họ đang vô tình dạy hư con, khiến con nghĩ rằng giáo viên luôn sai khi quá nghiêm khắc với mình.
Tuần trước, một giáo trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TP HCM) nhận kỷ luật khiển trách bởi phạt học sinh tự tát vì gây ồn. Trước đó không lâu, cô giáo trường Tiểu học Lê Lợi (TP Huế, Thừa Thiên Huế) cũng bị kiểm điểm khi bắt học sinh lớp 1 ngậm bút chì do nói chuyện riêng.
Hai trường hợp trên nhận được những ý kiến trái chiều xung quanh phương pháp giáo dục học sinh ở bậc tiểu học, trong đó có bàn đến giới hạn và cách thức phạt trẻ nếu cần thiết.
Theo VNE