TP.HCM: Tự chủ nhân sự trong các trường THPT
Ảnh minh họa. |
Sở GDĐT TP.HCM cho biết, đến đầu năm 2016, toàn thành phố đã có 14 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trường chuyên biệt, trường mầm non trực thuộc được phân cấp tuyển dụng.
Từ năm 2017-2020, TP.HCM tiếp tục phân cấp trong tuyển dụng đối với các trường chuyên, năng khiếu và 24 trường THPT. Sau năm 2020, 100% các trường THPT sẽ tự chủ về nhân sự.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM đánh giá, các đơn vị khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã chủ động sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu.
Ngoài ra, các đơn vị cũng xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi.
Khó khăn nhất trong việc thực hiện tự chủ nhân sự của TP.HCM hiện nay là một số chức danh thực sự cần thiết trong nhà trường như giám thị, giáo viên tư vấn tâm lý... chưa được quy định trong vị trí việc làm nên không có định biên để tuyển dụng.
Về vấn đề tự chủ tài chính, đến nay thành phố có 5 đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động; có hơn 1.220 đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động và có 98 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.
5 năm qua, số trường ngoài công lập tại TP.HCM tăng thêm gần 170 trường (24,7%), số học sinh tăng lên trên 58.200 em. Hiện thành phố có 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài với 1.345 giáo viên và khoảng 10.800 học sinh.