TP.HCM: Sẽ nâng cốt đường Nguyễn Hữu Cảnh lên 1,2m để chống ngập
Việc đầu tư sửa chữa đường Nguyễn Hữu với chiều dài toàn tuyến khoảng 3.183 m, chạy qua địa bàn hai quận (quận 1 và Bình Thạnh), với tổng mức đầu tư 472,9 tỉ đồng sẽ được khởi công vào ngày 5/10, dự kiến hoàn thành sau 14 tháng.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nặng sau mỗi lần mưa lớn. |
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, ngoài việc nâng cốt đường Nguyễn Hữu Cảnh lên thêm 1,2m, dự án còn các hạng mục khác như: cải tạo, xây dựng, bổ sung hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật..
Đồng thời dự án cũng sẽ sửa chữa hư hỏng một số hạng mục công trình trên tuyến như tường cách âm các khu Thảo Cầm Viên, cầu Thị Nghè 2, cầu Văn Thánh 2, cầu Thủ Thiêm... nhằm tăng năng lực thông hành và mỹ quan đô thị.
Đáng chú ý, khi thi công dự án này (đoạn từ cầu Văn Thánh 2 đến hết phạm vi nút giao cầu Thủ Thiêm) sẽ bị chiếm dụng 24/24. Trong giai đoạn một (thi công hệ thống cống hộp), đơn vị sẽ cải tạo vỉa hè thành mặt đường nhựa khoảng 3 m, nhằm tránh ảnh hưởng đến lộ trình các tuyến buýt đi qua khu vực.
Ngoài ra, xe máy được lưu thông qua hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh và cấm ôtô đi trên đường hướng từ Ngô Tất Tố đến chân cầu vượt. Lộ trình thay thế: Ngô Tất Tố - (rẽ trái) Nguyễn Hữu Cảnh - (quay đầu hẻm 113) Võ Duy Ninh - hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh hoặc Ngô Tất Tố - Trần Quang Long hoặc Nguyễn Văn Lạc - Phạm Viết Chánh - Nguyễn Hữu Cảnh.
"Chúng tôi sẽ phối hợp với CSGT, Thanh niên xung phong điều tiết giao thông. Dù phương án thi công đã được tính toán rất kỹ, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân, chúng tôi mong bà con thông cảm", ông Nguyễn Vĩnh Ninh nói thêm.
Cũng tại buổi họp báo, các PV đặt câu hỏi: Sau khi nâng cấp liệu đường Nguyễn Hữu Cảnh có đảm bảo hết ngập?
Ông Phan Văn Ảnh - Phó Ban điều hành dự án 1 cho biết, hệ thống thoát nước tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được sửa chữa, xây dựng bổ sung hệ thống cống dọc tuyến thoát nước mưa, đảm bảo thoát nước cho toàn bộ khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (với diện tích khoảng 35 hecta).
Cụ thể, đối với đoạn 1 (từ đường Tôn Đức Thắng đến hết ranh dự án cầu Thủ Thiêm) giữ nguyên hệ thống thoát nước hiện nay, nâng cao miệng giếng thu, cải tạo cửa thu nước cho phù hợp cao độ mặt đường và vỉa hè hoàn thiện. Hướng thoát nước sẽ thoát ra rạch Thị Nghè theo cửa xả hiện hữu tại cầu Thị Nghè 2.
Đối với đoạn 2, đoạn 3 (từ ranh dự án cầu Thủ Thiêm đến hết phạm vi nút giao dưới dạ cầu Sài Gòn), khu vực này hệ thống thoát nước cũ không còn đảm bảo khả năng khai thác. Do đó, thành phố sẽ xây dựng hệ thống thoát nước mới ở dưới lòng đường song song với hệ thống thoát nước cũ và liên kết hệ thống thoát nước hiện hữu qua các giếng thu.
Các PV tiếp tục đặt câu hỏi truy vấn: “Liệu sau khi nâng cấp thì đường Nguyễn Hữu Cảnh có hết ngập? Lúc đó có thuê máy bơm nữa hay không?”
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh cho biết, máy bơm chống ngập không chỉ xử lý ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh mà xử lý trên diện rộng hơn. Nhưng khi làm xong tuyến đường sẽ báo cáo để UBND TP có hướng xử lý. Vì việc ký thuê máy bơm thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh được mệnh danh là "con đường đau khổ" mỗi khi mưa lớn. |
Hoàn thành năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào khai thác, tuyến đường bị lún và ngập nặng, trong đó hư hỏng nặng nhất là hạng mục cầu Văn Thánh 2.
Để đảm bảo an toàn giao thông, tháng 10/2007, thành phố đã phải chi hơn 141 tỷ đồng để sửa chữa. Ngoài ra, trong quá trình thi công dự án hầm chui còn gây ra lún, nứt hàng loạt nhà dân ven đường. Nhà nước tiếp tục phải bỏ ra khoảng 4 tỷ đồng bồi thường cho dân.
Hiện nay, đường Nguyễn Hữu Cảnh là tuyến đường lọt vào danh sách các điểm ngập nặng nhất thành phố, được gọi là "rốn ngập" hay "con đường đau khổ". Bởi, mỗi khi mùa mưa đến việc di chuyển của người dân TP.HCM qua đường Nguyễn Hữu Cảnh... rất khổ sở.