TP.HCM: Nóng kinh hoàng, dân đổ xô mua nước giải khát
Nước giải khát vào mùa “hốt bạc”
Theo ghi nhận của PV, tại các ngã tư nằm trên các tuyến đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Thị Minh Khai… mặt hàng nước giải khát bày bán đắt như tôm tươi. Trong đó, dừa xiêm, sâm lạnh, trà xanh… là những hàng “hot” bán chạy nhất.
![]() |
Rất đông du khách nước ngoài cũng tránh nắng bằng nước giải khát tại chợ Bến Thành. Ảnh TN |
Một thanh niên bán dừa xiêm tại ngã tư Xô Viết Nghệ Tĩnh giao với Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) nói: “Dừa mang ra bao nhiêu hết bấy nhiêu. Mỗi ngày tôi bán ít nhất được 60 trái, thậm chí có ngày hơn 100 trái. Tôi cũng chỉ mong bán cho nhanh rồi về, chứ không ham bán quá nhiều vì trời nắng quá, ngồi ngoài đường lâu thế này muốn xỉu luôn”.
Tại các bến xe Miền Đông, Miền Tây trong những ngày này cũng luôn có một đội quân túc trực, một tay cắp một thúng đủ loại nước giải khát, một tay cầm vé số chào mời người đi xe. Giá nước uống cũng tăng 5.000 đồng/chai so với giá bán ngoài thị trường nhưng luôn được bán hết vèo vèo.
Thậm chí, tại một số hàng nước vỉa hè hay gánh hàng rong dọc các con đường, đông khách đến nỗi nhiều người phải “rồng rắn” đứng đợi ngoài trời nắng để đến lượt phục vụ. Vậy mà có khi khách hàng vẫn nhận được những cái lắc đầu thông cảm của người bán bởi hết hàng.
Các quán cơm bình dân cũng tranh thủ dịp này, bán kèm thêm các loại nước như trà atiso, sữa bắp, sâm lạnh... và ngay cả đến trà đá cũng được khai thác triệt để. Chị Ngọc Lan, khách hàng phàn nàn: “Ngày trước đi ăn được uống miễn phí trà đá, vậy mà chỉ mới mấy ngày nắng nóng, chủ quán đã tính thêm 2.000 đồng/ly trà đá ngay rồi”.
Cuối tháng 4, người Sài Gòn mới có mưa giải nhiệt
Không riêng gì các hàng quán vỉa hè mà tại các chợ đại lý, siêu thị sức mua các mặt hàng nước giải khát cũng tăng vọt so với tháng trước. Một góc chợ Bến Thành, Q.1 luôn nườm nượp du khách nước ngoài ghé vào vừa để mua đồ vừa để tránh nắng bằng nước giải khát. Mặc dù, giá nước uống ở đây luôn đắt hơn những chợ khác gấp 2 – 3 lần.
Nhiều tiểu thương bán mặt hàng này tại chợ Bình Tây, Q.6 cho biết, chủ yếu khách hàng đến lấy hàng về bán thuộc các tỉnh lân cận. Thường thì trước đây, trung bình 2 tuần một lần họ mới xuống lấy hàng nhưng giờ tuần nào cũng có người đến lấy.
Theo một nhân viên phụ trách quầy nước ngọt tại siêu thị Big C, những ngày qua, nước giải khát tại siêu thị tính đến cuối ngày là hết sạch hàng. Vì vậy, nhân viên phải đặt hàng liên tục. Bán chạy nhất vẫn là siro hoa quả, chanh dây, nước yến…
Đại diện Saigon Co.op cũng cho hay, trong tháng 3 doanh thu toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ và trong quý I, doanh thu chỉ tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, nhiều đơn vị của Saigon Co.op bị sụt giảm lượng bán hàng so sức mua giảm, nhất là một số mặt hàng rau, củ, quả. Tuy nhiên, kéo lại sức mua là nước giải khát. Dự đoán sức mua các mặt hàng này sẽ tăng cao hơn trong những ngày tới, thấp nhất cũng phải tăng 20%.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ nay cho đến hết ngày 31/3, thời tiết Nam Bộ chịu ảnh hưởng của áp thấp nóng phía Tây, áp thấp nóng này đang phát triển rất mạnh, ảnh hưởng đến cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Nam, nhiệt độ cao nhất ngày có nơi lên đến 35 độ C. Song, đó chỉ là nhiệt độ trong lều khí tượng, còn nhiệt độ ngoài trời cao hơn vài độ.
Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm chênh nhau tới 10 – 12 độ sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Có khả năng mùa mưa ở Nam Bộ sẽ đến sớm hơn so với bình thường vào khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2013. Đến lúc này, người dân mới được giải nhiệt.