TPHCM: Lúng túng triển khai chương trình tích hợp Anh-Việt
Thiếu các văn bản hướng dẫn
Chương trình tích hợp là chương trình được biên soạn tích hợp chương trình Quốc gia Anh quốc với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ GDĐT Việt Nam cho 3 môn Toán, Khoa học, tiếng Anh (8 tiết/tuần), chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất và năng lực của học sinh.Các nội dung kiến thức của 3 môn trong chương trình giáo dục Anh quốc sẽ được phân bố dựa trên khung chương trình của Bộ GDĐT Việt Nam, trong đó vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình khung cho các khối lớp của chương trình Việt Nam. Chương trình sẽ do giáo viên bản ngữ dạy các môn Toán, Khoa học, tiếng Anh theo chương trình Bộ GD Anh và các giáo viên Việt Nam dạy chương trình chính khóa của Bộ GDĐT Việt Nam.
Học sinh học chương trình tích hợp được tiếp cận với một chương trình tiên tiến, giảm tải về nội dung nhưng vẫn đảm bảo chương trình của Bộ GDĐT Việt Nam. Đặc biệt, học sinh sẽ làm bài thi theo chuẩn đầu ra và lấy chứng chỉ quốc tế của Hội đồng khảo thí Edexel (Anh) hoặc các tổ chức quốc tế khác theo nhu cầu của học sinh sau khi tốt nghiệp đảm bảo yêu cầu một chương trình nhiều chuẩn quốc tế đầu ra…
Sau khi được UBND TPHCM thông qua vào tháng 11/2014, chương trình tích hợp đã được áp dụng thí điểm tại 18 trường tiểu học, THCS với khoảng 600 học sinh ở 2 lớp đầu cấp là lớp 1 và lớp 6 thuộc các quận 1, 2, 5 ngay từ học kỳ II (tháng 1/2015). Dự kiến trong năm học 2015 – 2016 sẽ có 34 trường tiểu học, 22 trường THCS và phấn đấu có 16 trường THPT đăng ký tham gia chương trình tích hợp.
Điều khiến nhiều trường lo lắng là sự liên thông, phân luồng lên các cấp học theo chương trình này như thế nào. Cô Trương Thị Thừa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bàu Sen (Q.5) cho biết, nhiều phụ huynh chưa hiểu rõ về chương trình này, chưa nắm được hệ thống liên thông lên cấp 2, cấp 3 theo chương trình tích hợp ra sao nên vẫn còn chưa yên tâm. Đến nay, Sở vẫn chưa có văn bản gì về vấn đề liên thông, phân luồng này.
Phân bố tiết học, điểm thi, xếp lớp như thế nào?
Thầy Trần Ái Việt, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) băn khoăn: Đối với bậc THCS, 8 tiết của chương trình tích hợp sẽ được phân bố cho các môn theo tỉ lệ như thế nào? Điểm số của chương trình tích hợp có dùng để thay thế điểm của chương trình Việt Nam trong sổ học bạ hay không?Những học sinh của lớp tích hợp không đủ khả năng học tiếp muốn ra các lớp thường thì có được chấp nhận và có theo kịp chương trình hay không? Có sẵn các lớp 10 tích hợp cho học sinh kết thúc bậc THCS hay không hay các em vẫn phải thi vào lớp 10 như bình thường?
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) lo ngại: Học kỳ vừa rồi trường dạy thí điểm tại 1 lớp 6 (55 học sinh), sau một thời gian có 5 em xin ra lớp thường vì không theo kịp. Các học sinh của lớp tích hợp này khi vào các tiết học tích hợp thì được tách thành 2 lớp nhỏ, khi học chương trình Việt Nam thì lại dồn vào 1 lớp. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Sở thì không được tách lớp như vậy mà phải giữ nguyên một lớp với sĩ số cố định 35 học sinh. Với số học sinh hiện có, trường không thể tách thành 2 lớp riêng biệt mà buộc phải tuyển học sinh mới từ các lớp thường.
Dự kiến trong năm học mới số lớp học tích hợp sẽ tăng lên, sự biến động sĩ số (học sinh xin ra lớp thường) sẽ tiếp tục xảy ra, điều này đồng nghĩa với áp lực sĩ số cho các lớp thường cũng như sự thiếu hụt về phòng học nếu như chỉ tiêu lớp 6 của trường không được giảm.
Cô Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong băn khoăn trước việc các khối chuyên trong trường học theo chương trình nâng cao (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Anh) thì sẽ áp dụng tích hợp như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục Trung học (Sở GDĐT TPHCM) cho biết, 8 tiết tích hợp/tuần sẽ được phân bố theo tỉ lệ: 3 tiết tiếng Anh, 2 tiết Toán, 3 tiết Khoa học (đối với bậc THCS chia đều cho các môn Lý, Hóa, Sinh). Về điểm số các môn tích hợp, Sở sẽ xem xét tính toán hệ số chuyển đổi để phù hợp và ngang bằng với các điểm số môn học bằng tiếng Việt.
Sở cũng sẽ sắp xếp để các bài học trong chương trình dạy bằng tiếng Anh sẽ tương ứng với các bài học dạy bằng tiếng Việt, đảm bảo khi học sinh chuyển từ lớp tích hợp sang lớp thường vẫn theo kịp kiến thức.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GDĐT TPHCM nhấn mạnh, điều quan trọng là phải có thông tin đầy đủ, rõ ràng và cụ thể cho phụ huynh học sinh hiểu rõ về chương trình này. Bên cạnh đó, Sở sẽ có những quyết định về việc liên thông theo hướng học sinh THCS học chương trình tích hợp sẽ thi vào các trường THPT có lớp tích hợp với các đề thi bằng tiếng Anh. Dự kiến, công tác tập huấn cho giáo viên về chương trình này sẽ diễn ra trong tháng 7 tới.