TP.HCM không được thành lập trường đại học mới
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với sinh viên Hutech |
TP.HCM xin cơ chế đặc thù
Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết, mỗi năm thành phố dành 26% ngân sách tổng chi cho giáo dục đào tạo. Quy mô, mạng lưới các cấp học được đầu tư đồng bộ với kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng/năm cho đầu tư cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, do đặc thù là một thành phố lớn, tốc độ tăng dân số cơ học kéo theo tốc độ tăng học sinh trung bình mỗi năm gần đây khoảng 65.000 học sinh/năm, tức mỗi năm bình quân cần xây mới gần 3.000 phòng học để đáp ứng chỗ học đạt chuẩn. Đặc biệt năm 2015 tăng 85.000 học sinh, là áp lực lớn trong việc nâng chất lượng dạy và học.
Nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ, gửi cả ngày nghỉ của con công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp là có nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được. Sĩ số học sinh/lớp cao trong khi Bộ Nội vụ quy định 4 chức danh (kế toán, thủ quỹ, văn thư, y tế) nhưng chỉ có 2 vị trí việc làm, 2 người còn lại phải kiêm nhiệm. Việc này không phù hợp ở các trường mầm non thuộc TP.HCM.
Chương trình giáo dục phổ thông mặc dù đã có nhiều điều chỉnh nhưng vẫn còn khá nặng nề, quá tải, còn mang đậm tính hàn lâm, thiếu thực hành, ứng dụng, chưa tạo điều kiện để học sinh phát huy tính sáng tạo, tự nghiên cứu, làm việc theo nhóm; phân phối chương trình chưa phù hợp về thời lượng và thời gian dẫn đến học sinh phải học nhiều, thiếu thời gian vận dụng kiến thức trong thực tế. Dẫn đến một hệ lụy là học sinh phải học thêm, giáo viên phải dạy thêm.
Việc triển khai thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục gặp khó khăn, nhất là đối với việc quản lý khối các trường CĐ, ĐH ngoài công lập; tình trạng tranh chấp nội bộ ở một số trường ngoài công lập gây ảnh hưởng đến công tác dạy và học (ĐH Hùng Vương, ĐH Hoa Sen…).
TP.HCM đề xuất Bộ GDĐT cho phép thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá như tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa dựa trên khung chương trình chung của Bộ; các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường…
“Bộ đồng ý về chủ trương, thành phố chịu trách nhiệm”
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga nhận định, TP.HCM hiện có 73 trường ĐH, CĐ với quy mô gần 500.000 sinh viên chính quy. Số cơ sở giáo dục ĐH ở khu vực Đông Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng đã vượt quá số lượng quy hoạch, vì thế Bộ chỉ đạo TP.HCM không đề xuất thành lập trường ĐH mới, đồng thời quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đào tạo yếu, di dời các trường chật hẹp trong nội thành ra ngoại thành, có kế hoạch sắp xếp lại các trường CĐ, TCCN, dạy nghề.
Bộ đang quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, giảm chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm, vì thế đề nghị thành phố hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm, tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho giáo viên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ xây dựng khung chương trình chung về đào tạo nhưng tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể áp dụng linh hoạt. Với các đề xuất của TP.HCM như cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ;
Các trường chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng; Giao quyền tự chủ 100% cho các trường CĐ, TCCN công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh với yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo... Bộ GDĐT đồng ý về mặt chủ trương, thành phố chịu trách nhiệm chính.
Bộ hoàn toàn ủng hộ chủ trương quy hoạch các trường ĐH và di dời trường ra ngoại ô của thành phố. Bộ sẽ cùng thành phố chuẩn chỉnh những quy định hiện hành để phù hợp với xu thế hội nhập, gắn với thị trường lao động, đổi mới giảm tải, tăng cường chất lượng giáo viên… để tiệm cận với giáo dục trong khu vực. Bộ khuyến khích tự chủ của các trường ĐH, CĐ, cả công lập và tư thục, tiến tới xây dựng tiêu chí xếp hạng.Trường nào đạt mức độ chuẩn cao sẽ được các cơ chế ưu tiên về đầu tư, không phân biệt công tư.