TP.HCM: Hàng trăm ngàn học sinh đang học thêm
TP.HCM đang có khoảng 500.000 học sinh học ngoại ngữ. Hình minh họa |
Hàng trăm ngàn học sinh đang học thêm
Nhận định về thực trạng hoạt động dạy thêm, học thêm TP cho rằng đây là nhu cầu không thể phủ nhận của phụ huynh và học sinh.
Thực tế, không khí học tập ở nhiều lớp học thêm là nghiêm túc, nhiều lớp học đóng vai trò cầu nối để cho nhiều học sinh phổ thông bước vào giảng đường đại học, một số em học sinh yếu kém cũng vươn lên khá giỏi nhờ các thầy cô dạy phụ đạo.
Đây còn là công việc để tăng thu nhập chính đáng cho giáo viên trong điều kiện lương chưa đủ trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên TP cho rằng có nhiều trường hợp dạy thêm, học thêm bị biến tướng, phong trào. Thậm chí có tình trạng phân biệt đối xử trong giờ học giữa học sinh học thêm với mình với học sinh không học thêm hoặc học thêm với thầy cô khác, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Nhiều phụ huynh cũng không xuất phát từ nhu cầu của con em mà đua chen theo xu hướng của xã hội, ép con mình đi học thêm quá nhiều, quá tải, dẫn đến hiệu quả không đạt mà còn gây áp lực, căng thẳng cho các em.
Theo TP, số liệu thống kê hiện gần 500.000 học sinh đang tham gia học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh (chiếm tỷ lệ 50%), khoảng 10.000 học sinh học ngoại ngữ khác (Pháp, Nhật, Hàn, TBN, Trung Quốc…) tại các Trung tâm Ngoại ngữ sau giờ học chính khóa (buổi tối, thứ bảy, chủ nhật).
Khoảng 100.000 học sinh tiểu học (chiếm 20%) học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa; có khoảng 190.000 học sinh trung học (THCS-THPT) đang tham gia học thêm tại cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 học sinh tham gia học tập tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, chủ yếu các em học các môn Toán, Lý, Hóa (chiếm 35%).
Khoảng 50% học sinh toàn thành phố tham gia các hoạt động văn nghệ (học đàn, hát, …), các hoạt động thẩm mỹ, các hoạt động TDTT, kỹ năng sống, phương pháp phát triển tư duy (học Toán tư duy…).
Đã xử lý một số trường hợp vi phạm
Theo phân cấp, đến cuối năm học 2015 - 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cấp phép cho 82 đơn vị trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên được dạy thêm trong nhà trường với khoảng 80.000 học sinh theo học, chủ yếu các môn Toán, Lý, Hóa.
Ngoài ra còn có 34 cá nhân và tổ chức được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường với khoảng 20.000 học sinh.
Trong khi đó Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã cấp phép cho 106 đơn vị dạy thêm trong nhà trường (cấp THCS) với khoảng 110.000.000 học sinh theo học, 47 cá nhân và tổ chức được cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường, với khoảng 10.000 học sinh (chủ yếu là các nhóm nhỏ), và không cấp phép dạy thêm cấp tiểu học.
TP khẳng định: “Quan điểm của thành phố là xử lý kiên quyết tất cả các trường hợp dạy thêm không đúng qui định, không phân biệt bất cứ ai, đặc biệt sẽ xử lý nghiêm khắc nhất các trường hợp ép buộc học thêm”.
Theo đó, trong năm học qua đã xử lý 3 trường hợp ở mức phê bình, kiểm điểm, không cho dạy học sinh đã dạy chính khóa và không xem xét thi đua.
Tăng quyền tự chủ cho trường học
Về các giải pháp quản lý chặt chẽ dạy thêm, học thêm thời gian tới TP cho biết sẽ chỉ đạo hiệu trưởng các trường đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngay trong các giờ dạy trên lớp.
Các trường cũng thực hiện phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng cho học sinh giỏi không thu học phí.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ được tổ chức trên cơ sở tự nguyện tham gia của học sinh, phân chia lớp học theo trình độ học sinh, và học sinh được lựa chọn giáo viên để theo học.
Về lâu dài TP sẽ đề xuất Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép thành phố xây dựng bộ sách giáo khoa riêng và tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cuối cùng, TP cho biết sẽ tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường có điều kiện được phép tự tuyển dụng giáo viên, tự xây dựng kế hoạch giảng dạy, quyết định mức học phí trên cơ sở thu đủ bù chi.