TPHCM: 50 nhà giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản
Các thầy cô xúc động chia sẻ trong buổi giao lưu |
Trong 50 nhà giáo được vinh danh có 39 giáo viên trực tiếp dạy học còn lại là cán bộ quản lý. Họ được đánh giá có cống hiến đặc biệt xuất sắc, tận tâm, có trách nhiệm trong sự nghiệp "trồng người" của thành phố.
Trong phần giao lưu, nhiều người xúc động khi nghe câu chuyện về hành trình 20 năm dạy học cho trẻ khiếm thính của cô Lâm Thị Minh Châu (Trường Hy vọng quận 8).
Năm 1999, vừa tốt nghiệp, nữ sinh Lâm Thị Minh Châu (quận 8, TP.HCM) được điều về Trường Nuôi dạy trẻ quận 12 (đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp) công tác. Chưa từng học qua các kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật, Châu như sụp đổ, chỉ biết đứng nhìn các cháu khuyết tật mà khóc rồi về nhà với ý định bỏ nghề. Thế nhưng sau một đêm suy nghĩ, sáng hôm sau cô trở lại trường và quyết chí ở lại làm việc. Ròng rã 1 năm, cô Châu mới học được cách để tiếp cận, hòa nhập và hiểu được các cháu muốn gì qua từng cử chỉ. Và cũng vì muốn được gần gũi các cháu hơn, cô càng mong tìm ra phương pháp hay để giúp các cháu cải thiện cách phát âm, luyện hơi, luyện trí nhớ…
Sau 11 năm gắn bó, cô được điều về công tác tại Trường Hy vọng quận 8 cho đến nay.
"Nhìn bên ngoài học trò của tôi cũng lành lặn, xinh xắn như bao đứa trẻ nhưng bên trong có rất nhiều thiệt thòi. Dạy trẻ bị khiếm khuyết đòi hỏi người thầy phải tận tụy, kiên nhẫn và yêu thương chúng. Niềm vui của chúng tôi là thấy trẻ tiến bộ từng ngày", cô Châu xúc động chia sẻ.
Giải thưởng vinh danh 50 nhà giáo của thành phố |
Cô Hoàng Thị Nguyệt lần đầu đến thăm Trường Giáo dục chuyên biệt Hy vọng quận Gò Vấp trong chuyến đi thực tập và chết lặng vì xúc động khi thấy trẻ thì bị khiếm thính, trẻ thì khiếm thị, trẻ thì bị đa tật, trẻ thì chậm phát triển…
Phải dạy cái gì, dạy như thế nào và dạy đến bao giờ để các cháu biết nói, biết ý thức, biết viết, biết đọc là điều cô Nguyệt trăn trở, đến nay đã 23 năm cô gắn bó với trẻ khuyết tật.
Từ ban đầu dạy trẻ khiếm thính, cô Nguyệt chuyển qua dạy các trẻ chậm phát triển. Từ mong muốn giúp các cháu có hy vọng hòa nhập và hòa nhập sớm với cộng đồng, cô đã miệt mài học hỏi và sáng tạo để có những sáng kiến giúp trẻ như: một số biện pháp nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm phát triển tiền học đường, rèn luyện thói quen giữ vệ sinh và hành vi ứng xử cho trẻ chậm phát triển trí tuệ…
Võ Trường Toản - giải thưởng mang tên nhà giáo đức độ, lỗi lạc ở Nam Bộ thế kỷ 18 - được TP.HCM tổ chức thường niên nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm học 1998 - 1999, đến nay qua 20 mùa trao giải, giải thưởng Võ Trường Toản đã vinh danh 576 cán bộ quản lý, giáo viên, những tấm gương sáng về lòng yêu nghề và sự tận tụy, đại diện cho gần 85.000 cán bộ, nhà giáo đang công tác trên địa bàn thành phố.