Tổng thống Mỹ Biden gặp ông Kim Jong-un với điều kiện gì?
Tổng thống Mỹ Biden đưa ra điều kiện để gặp ông Kim Jong-un, nhưng việc Triều Tiên có quay trở lại bàn đàm phán hay không vẫn là ẩn số.
Giới chuyên gia nhận định, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện cam kết rõ ràng tiến hành đối thoại với Triều Tiên thông qua việc bổ nhiệm đặc phái viên phụ trách các vấn đề Triều Tiên. Song chuyện Bình Nhưỡng có quay trở lại bàn đàm phán trong tương lai gần hay không vẫn là ẩn số.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Biden đã thông báo bổ nhiệm quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ là ông Sung Kim làm “đặc phái viên phụ trách Triều Tiên” để “hỗ trợ triển khai những nỗ lực” hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Biden còn miêu tả ông Sung Kim là “nhà ngoại giao có kinh nghiệm chính sách dày dặn”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ra điều kiện để gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AP) |
“Việc bổ nhiệm ông Sung Kim làm đặc phái viên phụ trách các vấn đề Triều Tiên là động thái mang tính thực tế. Ông Sung Kim là nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm. Việc bổ nhiệm nhiều nhân vật khác chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề Triều Tiên cho thấy, Bình Nhưỡng hiện là ưu tiên cao của Tổng thống Biden”, Yonhap dẫn lời bà Celeste Arrington, Phó giáo sư tại Đại học George Washington.
Ông Sung Kim là nhà ngoại giao lâu năm từng giữ chức đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc. Dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Sung Kim còn là đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên từ năm 2014 – 2016.
Cũng theo Tổng thống Biden, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp “thực tế” để tiến tới giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
“Cả hai nước (Mỹ - Hàn) cùng chung quan điểm sẵn sàng tham gia đối thoại ngoại giao với Triều Tiên để đưa ra các biện pháp thực tế nhằm hạ nhiệt căng thẳng và hướng tới mục tiêu cao nhất là giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”, ông Biden nói.
Tuy nhiên, bà Arrington cho rằng, “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn đã thể hiện cam kết vững chắc về mối liên minh giữa hai nước và hai bên cùng xem Triều Tiên là mối đe dọa. Tổng thống Biden cũng đã nói rằng, Triều Tiên nên đưa ra những lời cam kết nghiêm túc để tiến tới thảo luận về kho hạt nhân của nước này. Nhưng chuyện đàm phán sẽ không sớm diễn ra”.
Ông Frank Aum, chuyên gia cấp cao tại Viện Hòa bình Mỹ ở Washington, cũng nhấn mạnh Triều Tiên có thể trở lại “con đường cũ” là có những hành động khiêu khích trước khi trở lại bàn đối thoại.
Cũng theo ông Aum, chính sách tiếp cận mới của Tổng thống Biden đối với Triều Tiên sẽ tiếp tục đi theo hướng “xem Triều Tiên là người cần kiềm chế và ngăn chặn thay vì là đối tác tương hỗ nhau”.
Trước đó, từ giữa tháng Hai, Mỹ đã có những nỗ lực nối lại liên lạc với Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng vẫn bật vô âm tín. Tới tháng Ba, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên cho hay Triều Tiên sẽ tiếp tục phớt lờ Mỹ, cho tới khi Washington từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng.
Tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ - Triều rơi vào bế tắc kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 vào tháng 2/2019 giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc mà hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
Cũng trong cuộc họp báo hôm 21/5, Tổng thống Biden một lần nữa cho biết ông sẽ gặp ông Kim Jong-un nếu như Chủ tịch Triều Tiên đưa ra những cam kết nghiêm túc để thảo luận về việc từ bỏ tham vọng hạt nhân.
“Tôi cho rằng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo là hữu dụng nhưng cả hai bên cần phải có sự nhân nhượng rõ ràng và không ai muốn lặp lại sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Nhưng hiện tại, không bên nào sẵn sàng có động thái đầu tiên hoặc sốt sắng tiến hành đàm phán”, ông Harry Kazianis, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ nói.
Minh Thu (lược dịch)