Mỹ đề nghị cung cấp vắc-xin Covid-19, Triều Tiên liệu có nhận?
Trong nỗ lực nối lại đàm phán, Mỹ đề xuất cung cấp vắc-xin Covid-19 nhưng khả năng Triều Tiên chấp thuận là rất thấp.
Mỹ đang có những nỗ lực nhằm tạo điều kiện tiến hành đàm phán với Triều Tiên như đề xuất cung cấp vắc-xin Covid-19. Song khả năng Bình Nhưỡng chấp nhận là rất thấp, bởi chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un vẫn phớt lờ những lời kêu gọi cứu trợ nhân đạo, cũng như tiếp tục thi hành chính sách kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ.
Hôm 12/5, giới chuyên gia nhận định động thái đề nghị cung cấp vắc-xin Covid-19 cho Triều Tiên cho thấy Mỹ muốn cho Bình Nhưỡng thấy những lợi ích mà nước này sẽ nhận được nếu quay trở lại bàn đàm phán. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa hoàn thành quá trình tái xem xét chính sách đối ngoại với Triều Tiên.
Khả năng Triều Tiên chấp thuận đề nghị cung cấp vắc-xin Covid-19 từ Mỹ là rất thấp. (Ảnh: AP) |
Song theo các chuyên gia, dường như Triều Tiên không hứng thú với đề xuất của Mỹ và chính quyền Bình Nhưỡng cũng đang tìm cách cân bằng vị thế với Washington nên không thể nhận hỗ trợ vắc-xin.
Trước đó, vào ngày 11/5, CNN dẫn lời các nguồn tin trong chính phủ Mỹ cho hay Mỹ hiện sẵn sàng chia sẻ vắc-xin Covid-19 và gửi hàng cứu trợ cho Triều Tiên.
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden tin rằng Triều Tiên sẽ không đàm phán với Mỹ cho tới khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi. Do đó, “chia sẻ vắc-xin có thể bôi trơn cho bánh xe hòa hợp ngoại giao ban đầu”, quan chức Mỹ nói.
Song các chuyên gia lại nhận định, việc Triều Tiên chấp nhận lời đề nghị cung cấp vắc-xin hay hàng cứu trợ của Mỹ là rất thấp.
“Triều Tiên còn có nhiều lựa chọn khác như nhận vắc-xin của Trung Quốc hoặc Nga. Vậy tại sao chính quyền của ông Kim lại chọn vắc-xin do các nước phương Tây phát triển”, ông Nam Sung-wook, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc nhận định.
Theo ông Nam, dù tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc, nhưng lời đề nghị của Mỹ có thể được xem là chiến thuật nhằm cho Triều Tiên thấy những lợi ích mà nước này nhận là gì khi nối lại đàm phán.
“Bên cạnh đề xuất cung cấp vắc-xin, vẫn còn nhiều bất đồng tồn tại khiến Bình Nhưỡng khó lòng chấp nhận đề nghị của Washington. Nhưng đề xuất này cho thấy Mỹ muốn dẫn dụ Triều Tiên nối lại đàm phán bằng cách cho Bình Nhưỡng thấy những lợi ích có thể nhận được và điều này cũng đã phản ánh chính sách mới của Mỹ với Triều Tiên”, ông Nam nhấn mạnh.
Phản ứng trước lời đề xuất của Mỹ, Triều Tiên nói rằng đề xuất này “đã được ghi nhận” và không đưa ra thêm bình luận.
Trước đó, chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã từ chối nhận hỗ trợ vắc-xin Covid-19 từ phía Hàn Quốc và xem vắc-xin như món hàng nước này có thể sống mà không cần tới.
Trong những năm qua, Triều Tiên đã nhiều lần thể hiện quan điểm từ chối tiếp nhận lời đề nghị gửi hàng cứu trợ. Như hồi tháng 4/2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói “đồng ý” với việc Hàn Quốc gửi hàng cứu trợ cho Triều Tiên. Nhưng chương trình hỗ trợ này cũng không được thực hiện vào năm 2019, thời điểm quan hệ Hàn – Triều rơi vào cảnh căng thẳng dù Mỹ có quan hệ nồng ấm với Triều Tiên lúc này.
“Những động thái gần đây của Mỹ được xem là bước nhân nhượng gián tiếp nhằm dò la phản ứng của của Triều Tiên. Tuy nhiên, lời đề xuất cung cấp vắc-xin lại bị nghi ngờ vì Bình Nhưỡng dường như không quan tâm tới vắc-xin của Mỹ”, ông Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viên Thống nhất quốc gia Hàn Quốc cho hay.
Cũng theo ông Hong, đến nay Triều Tiên vẫn chưa hoàn toàn nối lại hoạt động giao thương với Trung Quốc, dù trước đó có những nguồn tin nhận định Triều Tiên sẽ cho mở lại biên giới vào mùa xuân năm nay. Động thái này phần nào phản ánh Triều Tiên vẫn đang thi hành chính sách kiểm soát dịch bệnh vô cùng chặt chẽ.
“Nếu Triều Tiên muốn mua vắc-xin, họ có thể nhập vắc-xin từ Nga hoặc Trung Quốc. Do đó, lời đề xuất cung cấp vắc-xin của Mỹ khiến Triều Tiên không cảm thấy hứng thú. Nếu chuyện chia sẻ vắc-xin diễn ra, nó cũng sẽ chỉ mang tính biểu tượng sau khi Washington và Bình Nhưỡng gặp gỡ và đồng thuận trao đổi hàng hóa cứu trợ”, ông Hong kết luận.
Vì sao thảm họa Covid-19 ở Ấn Độ lại gây ảnh hưởng khắp thế giới?
Thảm họa Covid-19 ở Ấn Độ đang gây ảnh hưởng lớn tới thế giới nhất là đối với các ngành như dệt may, vận tải biển, dược phẩm và vắc-xin.
Minh Thu (lược dịch)