Tổng thống Maduro “hiến kế” có thể tìm giải pháp để ổn định thị trường dầu mỏ
Được biết, hơn 90% doanh thu xuất khẩu của Venezuela đến từ dầu mỏ. Ba tuần trước Tổng thống Nicolas Madura gọi thị trường dầu đang sụt giảm là một “cú đánh tàn bạo” khiến giá giảm dưới chi phí sản xuất.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: RIA. |
Tuần trước sản lượng của Venezuela giảm dưới 700.000 thùng/ngày. Lĩnh vực dầu phải đối phó với nhiều năm thiếu đầu tư và thiếu nhân viên, và các lệnh trừng phạt của Mỹ đã hạn chế công ty dầu nhà nước tiếp cận với vốn quốc tế và đã ngăn cản tiếp thị dầu thô tại Mỹ.
Theo đó, mới đây ông Maduro cho hay: “Bộ trưởng Dầu mỏ Manuel Quevedo và Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreaza đang liên hệ trực tiếp với chính phủ hai nước Nga và Saudi Arabia cùng các đồng nghiệp khác ở OPEC để chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến sẽ diễn ra ngày 9/4, nơi các nước sẽ tìm kiếm sự đồng thuận để khôi phục thị trường dầu mỏ và giá dầu công bằng, ổn định, giúp phục hồi nền kinh tế thế giới và các thị trường tài chính”.
Kế hoạch tổ chức họp vào ngày 6/4 dưới hình thức trực tuyến nhằm bàn thảo việc cắt giảm sản lượng, song cuộc họp đã được đẩy lùi lại vào ngày 9/4, giữa bối cảnh giá dầu tiếp tục chịu sức ép do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Ông Maduro cho biết thêm, tôi tin rằng chúng ta đang đi đúng hướng, có những xuất tốt trên bàn đàm phán. Tôi rất lạc quan về hội nghị trực tuyến OPEC và các thỏa thuận của nhóm OPEC+, những thỏa thuận có thể đưa thị trường dầu mỏ và nền kinh tế thế giới bình ổn trở lại.
Cũng theo, ông Sergey Vakulenko, Giám đốc kế hoạch chiến lược tại công ty sản xuất dầu mỏ Gazprom Neft cho biết, giá dầu giảm mạnh sẽ dẫn đến việc khai thác ở Mỹ giảm đáng kể, có thể 1-2 triệu thùng mỗi ngày sau 9-12 tháng.
“Giá giảm mạnh sẽ dẫn đến việc sản xuất ở Mỹ giảm đáng kể, có thể 1-2 triệu thùng mỗi ngày trong 9-12 tháng”, ông Vakulenko chia sẻ với báo giới.
Ngoài ra, theo nhận định của ông Vakulenko, điều này xảy ra bởi sự kết hợp của việc giảm mạnh khối lượng khoan mới đối với trữ lượng đá phiến do không có lợi nhuận và tốc độ khai thác suy giảm nhanh chóng là đặc thù đối với giếng khoan dầu đá phiến.
“Sự suy giảm tự nhiên trong sản xuất dầu đá phiến sẽ không được thay thế hoàn toàn bằng sản xuất từ các giếng khoan mới”, Vakulenko nhấn mạnh.
Trước đó, sau khi tập đoàn dầu khí Rosneft tuyên bố bán các tài sản tại Venezuela, Nga đã thành lập công ty khai thác và vận chuyển dầu khí Roszarubezhneft, thuộc Cơ quan quản lý tài sản chính phủ liên bang, để tiếp quản các hoạt động tại đây, với số vốn điều lệ dự kiến là 322,7 tỉ ruble (hơn 4 tỉ USD).
Theo đó, Rosneft đã ký một thỏa thuận với Roszarubezhneft về việc bán cổ phần và rút khỏi tất cả các dự án ở Venezuela (bao gồm cổ phần tại Petromonagas, Petroperija, Boqueron, Petromiranda và Petrovictoria). Theo thỏa thuận, gã khổng lồ dầu mỏ cũng sẽ nhận được 9,6% cổ phần tại Roszarubezhneft.
Vào tháng 2/2020, Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với một công ty con của Rosneft do quan hệ thương mại với Venezuela. Tập đoàn của Nga đã phản đối lệnh trừng phạt này, coi đó là bất hợp pháp và không có căn cứ, đồng thời chỉ ra rằng tất cả các hoạt động của công ty tại Venezuela đều hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế, việc đầu tư vào các lĩnh vực dầu khí của Venezuela đã có từ trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được đưa ra.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA cũng lên án các lệnh trừng phạt này của Mỹ và cáo buộc Washington cố gắng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh để đạt được lợi thế trên thị trường dầu mỏ.