Tôi từng "đứng hàm" vì bị bắt quả tang quay cóp
Nhân kỷ niệm ngày 20/11, Infonet đăng tải loạt bài những kỷ niệm khó quên với thầy cô giáo cũ. Dưới đây là bài viết của học trò Nguyễn Hồng T. về giảng viên Bùi Kim Đỉnh – Nguyên Phó trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tôi, một đứa con gái sinh ra ở một vùng quê nông thôn. Nhưng khác với những cô bạn gái cùng quê, tôi khá là đanh đá và nghịch ngợm. Bởi thế mà, tuổi thơ của tôi trải qua “rất dữ dội” với nhiều trò vui mà có lẽ phù hợp với cánh con trai hơn. Nào là đá khăng, búng bi, nào là thổi dây thun...
Thích chơi những trò chơi đó nên tôi thường được bố mẹ cũng như mọi người xung quanh vui miệng bảo đùa rằng “không khác gì một thằng con trai “cải tiến””. Mặc kệ những lời trêu đùa đó, tôi vẫn cứ chơi.
Lớn hơn một chút, khi học Đại học cái tính đanh đá trong tôi đã dịu đi đôi phần, tuy nhiên cái tính ưa nghịch ngợm thì lại đứng vào hàng… quái chiêu và ngày càng có chiều hướng gia tăng.
PGS.TSBùi Kim Đỉnh – Nguyên Phó trưởng khoa Lịch sử Đảng chụp ảnh cùng học trò |
Ngày đó, ước mơ của tôi sẽ trở thành một nhà báo. Nhưng có lẽ “học tài thi phận”, lần thi đầu tôi bị rớt và phải học một trường khác.
Không từ bỏ ước mơ, tôi vừa học vừa tự ôn thi. Dù điểm khá cao nhưng có lẽ số tôi không được học khoa báo, tôi tiếp tục bị rớt và được chuyển vào học một khoa tuyên truyền của trường.
Tuy nhiên do không phải ngành học mình yêu thích nên tôi có phần chểnh mảng. Thay vì tập trung học, trong lớp tôi thường bày trò nghịch ngợm, không chú ý ghi chép, nghe thầy cô giảng bài… khiến thầy cô phải phiền lòng. Trong đó, thú chơi bài ba cây trong lớp là một trong những thú chơi mà tôi ưa thích nhất.
Tôi còn nhớ hôm đó là một tiết học chuyên ngành, bàn tôi ngồi gần cuối cùng, gồm 4 nữ nhưng thay vì cặm cụi ghi chép lời thầy giảng như các bạn khác, tôi lại rủ rê bạn ngồi cạnh chơi trò 3 cây dưới gầm bàn.
Trên bục giảng, thầy vẫn mải miết với bài giảng của mình. Thỉnh thoảng tiếng cười khanh khách lại được bật lên mà nguồn gốc của âm thanh vô duyên đó lại chính là tôi.
Thấy chúng tôi mất trật tự, không tập trung vào bài giảng, thầy ngừng giảng và cất tiếng nhỏ nhẹ đầy trìu mến: “Cái T., có nghe thấy thầy vừa giảng gì không?”.
Tay đang cầm những lá bài còn chơi dở, mắt dính chặt vào gầm bàn nơi chúng tôi đang tiến hành trò chơi, bị thầy hỏi đột ngột, tôi giật thót mình, bối rối đứng lên, ngập ngừng mãi, miệng mới lí nhí: “Dạ, thầy giảng bé quá, em ngồi ở xa nên không nghe thấy gì ạ. Thầy giảng lại cho em nghe thầy nhé”.
Nói xong mặt mũi tôi đỏ tía tai, xung quanh là những tiếng cười khúc khích của các bạn. Nghe tôi trả lời vậy, thầy trầm ngâm một phút và trở lại ghế ngồi, giọng buồn buồn: “Viết lại bài giảng hôm nay, mai nộp cho thầy”.
Thế nhưng, đó chỉ là lần phạt duy nhất trong rất nhiều lần thầy bắt gặp tôi làm việc riêng trong giờ học. Tuy nhiên, những lần đó thầy cho qua. Còn lần này, tôi biết, thầy thực sự rất buồn về tôi. Và cũng từ lần ấy, trong tiết của thầy, tôi tuyệt nhiên không mải chơi nữa vì sợ thầy lại buồn.
Một kỷ niệm khác về thầy khiến tôi nhớ mãi. Ngày đó, chúng tôi kiểm tra khảo sát kiến thức. Vì mải chơi nên trong đầu tôi khi ấy dường như trống rỗng. Thế nên, trong lúc thầy không để ý, tôi đã lén giở sách ra quay cóp.
Đang mải chép lấy chép để, tôi bị bạn bên cạnh huých tay liên tục. Bực tức vì thời gian không còn bao nhiêu, tôi quay sang lừ nó cái, đang định ngẩng lên để mắng nó, tôi bắt gặp ánh mắt nghiêm nghị của thầy.
Bị bắt “quả tang”, tôi luống cuống chỉ biết cúi gằm mặt xuống. Khi thấy cái nhìn của thầy dừng lại ở tôi hơi lâu mà thầy mãi không nói gì, mặt tôi nóng ran, không dám nhìn thầy, miệng lắp bắp: “Em xin lỗi thầy”.
Đến cuối giờ, thầy gọi tôi lại là bảo: “T. ạ, em đi học Đại học làm gì”?
Lúc đó tôi “đứng hàm”, chẳng biết nói gì.
Thầy tiếp tục: “Làm người phải có ước mơ em ạ. Khi em thi đỗ và học trong ngôi trường này em phải biết được ra trường em sẽ làm gì và em muốn làm gì. Đừng để thời gian 4 năm học Đại học của em trở nên vô ích”.
Vài lời góp ý chân thành ngắn ngủi đó của thầy nhưng nó lại làm thay đổi số phận có lẽ là cả cuộc đời tôi. Từ một đứa con gái nghịch ngợm, ngang bướng tôi dần thay đổi, học hành nghiêm túc hơn. Thay vì đi chơi, tôi làm những việc có ý nghĩa hơn.
Ngoài thời gian trên lớp, tôi bắt đầu đi gia sư. Tuy học chuyên ngành Lịch sử nhưng đam mê được làm báo luôn cháy bỏng trong tôi. Tôi lân la đi viết lách và có được những bài đăng đầu tiên. So với chúng bạn cùng lớp còn đang vò đầu bứt tóc tìm việc thì ra trường tôi đã được nhận vào làm việc cho một cơ quan báo chí có trụ sở đặt tại Hà Nội.
Ngày liên hoan chia tay thầy, tôi lặng lẽ đến bên thầy và thú nhận và xin lỗi về những trò quậy phá của tôi trong lớp. Thầy đặt tay lên vai tôi rồi cười hiền từ. Thầy hỏi: “Thế dự định học xong em sẽ làm gì?”.
Tôi khoe với thầy rằng tôi đã được nhận vào làm cho một tờ báo. Chỉ đợi có bằng tốt nghiệp là hoàn thiện hồ sơ đem gửi bổ sung.
Thầy cười rồi xoa đầu tôi: “Được, như vậy là tốt rồi, thầy tin em sẽ thành công”.
Ra trường cũng được gần 2 năm, do nhiều lý do nên chưa một lần tôi ghé vào thăm thầy. Tuy nhiên, hình ảnh về thầy, những bài giảng và sự khoan dung nơi thầy tôi vẫn còn nhớ mãi.
Ngày 20/11 năm nay lại đến rồi, tôi chỉ muốn gửi tới thầy đôi lời:
"Em chúc thầy có nhiều sức khỏe để truyền dạy cho các thế hệ học trò những kiến thức bổ ích. Em cám ơn thầy về những lời góp ý chân thành của thầy. Em xin hứa với thầy, em sẽ cố gắng trở thành người có ích cho xã hội như lời thầy đã từng dạy chúng em.
Học trò của thầy, Nguyễn Hồng T.".