Tội phạm mua bán người: Phương thức đa dạng, thủ đoạn xảo quyệt
Tội phạm MBN hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu trên các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc (chiếm 70%), Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia (chiếm 11%), còn lại sang các nước khác như Singapore, Malaysia và các nước châu Âu, châu Phi.
Lực lượng Công an và BĐBP trao trả nạn nhân của tội phạm mua bán người (Ảnh: BĐBP) |
Cùng với buôn lậu ma túy và vũ khí, nạn nhân MBN đã trở thành một loại hàng hóa với lợi nhuận cao. Đáng chú ý là việc các đối tượng phạm tội hình thành nhiều đường dây, băng, ổ nhóm sử dụng công nghệ cao, internet, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và có tính liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước, đan xen với các loại tội phạm khác như ma túy, cờ bạc, lừa đảo, mại dâm...
Bên cạnh đó, bọn tội phạm không chỉ thực hiện mua bán phụ nữ, trẻ em, mà còn mua bán cả đàn ông, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng...
Bọn tội phạm MBN hoạt động với nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Chúng thường lựa chọn đối tượng là những phụ nữ, trẻ em và cả nam giới có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức, hiểu biết hạn chế, dùng mọi thủ đoạn tạo lòng tin, hứa hẹn giúp tìm việc làm ở thành phố, vùng biên giới hoặc ra nước ngoài có thu nhập cao thông qua đó để lừa bán.
Chúng lợi dụng công nghệ thông tin như mạng internet, điện thoại di động, ngụy trang tên giả, địa chỉ giả để lừa đảo, tạo mối quan hệ vờ kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, nhất là học sinh sinh viên, những em gái vị thành niên do ham chơi đua đòi, dễ dãi trong việc kết bạn làm quen rồi rủ đi chơi lên các tỉnh biên giới mua sắm, du lịch... rồi cấu kết lừa bán ra nước ngoài hoặc bán vào các ổ mại dâm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở trong nước.
Nhiều nạn nhân bị bóc lột tình dục, lao động, thậm chí đưa đi xuất cảnh trái phép để bán nội tạng. Các cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều vụ chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, trong đó có trẻ sơ sinh ở khu vực giáp biên.
Tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán diễn ra hết sức phức tạp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là Hà Giang và Lai Châu.
Nhất là chúng thường lợi dụng địa bàn miền núi phía Bắc hiểm trở, dân cư thưa thớt, những đối tượng trong nước câu kết với đối tượng người Trung Quốc nhằm lúc đêm tối, địa bàn vắng vẻ, đột nhập vào nhà dân, dùng hung khí khống chế, tấn công người lớn để bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em bán qua biên giới, hoặc tổ chức bắt cóc phụ nữ khi đi làm trên nương rẫy, trên đường đi chợ về bán qua biên giới.
Tại các tỉnh phía Nam, tình hình môi giới hôn nhân bất hợp pháp xảy ra phổ biến. Tội phạm MBN trong nước câu kết với các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… để tổ chức xem mặt, chọn vợ, kết hôn giả; lợi dụng khó khăn về kinh tế và sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của người dân, đưa ra nước ngoài bán làm vợ bất hợp pháp, hoặc bán cho nhà hàng ép làm gái mại dâm.
Đặc biệt, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thời vụ diễn biến phức tạp và gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Lực lượng chức năng Việt Nam đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động trái phép, các đường dây cò mồi, môi giới lao động thu tiền của người lao động và tổ chức xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, thu giữ giấy tờ tùy thân để cưỡng ép lao động, hoặc bắt lao động nhưng không trả tiền công, hoặc báo cho cơ quan chức năng nước sở tại kiểm tra, bắt giữ và đẩy đuổi, trục xuất về nước.
Qua công tác điều tra, các lực lượng chức năng còn phát hiện thêm thủ đoạn mới nổi lên là các đối tượng ít đưa nạn nhân qua các đường mòn, lối mở như trước mà đi hợp pháp bằng hộ chiếu qua các cửa khẩu với lý do đi du lịch…, sau đó sang Trung Quốc sẽ thu, giữ hộ chiếu để khống chế nạn nhân.
Theo thống kê của các lực lượng Công an và BĐBP, từ tháng 1/2016 đến tháng 7/2017 cả nước đã phát hiện 540 vụ với 768 đối tượng, giải cứu 1489 nạn nhân.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Công an và BĐBP đã phát hiện 157 vụ với 245 đối tượng, giải cứu 361 nạn nhân.