Tổ chức kỳ thi chung: Bộ GDĐT “cầu cứu” quốc tế
Không bỏ thi tốt nghiệp THPT
Báo cáo chung về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết: “Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là 98,99% (năm 2013 là 98,97%), ở khối giáo dục thường xuyên đạt 88,91% (năm 2013 là 78,08%)”.
Trước tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn tỷ lệ này liệu đã phản ánh được thực chất của việc dạy và học, cũng như đánh giá học sinh hay chưa?
Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Năm nay thi cử nghiêm túc hơn các năm trước, như vậy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng phản ánh sát chất lượng hơn. Còn đã khách quan hoàn toàn hay chưa, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương phải làm thật sự, và nơi nào không nghiêm túc bị phản ánh, Bộ đã xử lý như đã thấy”.
Tuy nhiên, vị Thứ trưởng cũng thừa nhận kết quả này chưa sát được với chất lượng thực tế. “Bộ sẽ tiếp tục phân tích kỳ thi năm nay, đưa ra những giải pháp để phản ánh chất lượng tốt hơn ở các năm tới. Chúng ta đã tiến bộ hơn và chắc chắn phải tiến bộ hơn nữa ở những năm sắp tới”, ông Hiển khẳng định.
Trước những ý kiến bày tỏ nên chăng dừng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để tránh gây tốn kém cũng như tạo áp lực cho học sinh khi tỷ lệ đỗ đạt tới 99%, ông Trinh cho biết: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhằm mục đích đánh trượt học trò, mục tiêu để đánh giá, xác định xem mức độ đáp ứng của học sinh với yêu cầu của kỳ thi đến mức nào. Từ đó có những giải pháp tác động lại quá trình dạy học”.
Ông Trinh lấy dẫn chứng, nhiều nước phát triển hiện vẫn sử dụng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí, đã có những nước trước đây không tổ chức giờ lại bắt đầu tổ chức thi.
“Chúng ta hình dung kỳ thi tốt nghiệp cũng giống như việc một cơ sở sản xuất ra các sản phẩm để tiêu thụ. Có thể phần lớn các sản phẩm làm ra đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật có thể đưa vào sử dụng. Nhưng vẫn phải kiểm định chất lượng, một mặt để giảm thiểu phế phẩm, mặt khác để xem sản phẩm dùng được nhưng chất lượng đến đâu, để điều chỉnh lại quá trình sản xuất. Với việc phân tích kết quả kỳ thi chúng ta có thể xác định mức độ đáp ứng chất lượng đến đâu và sẽ có điều chỉnh sao cho kết quả dạy học tăng dần”, ông Trinh lập luận.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc đổi mới đã đi đúng hướng tuy nhiên hiện chưa đáp ứng được nhu cầu mong muốn. Vì vậy, sẽ không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng nhất định sẽ không thi như hiện nay.
“Phải đổi mới làm sao phản ánh đúng hơn chất lượng giáo dục, nhưng cũng đơn giản, đỡ tốn kém đến một mức độ nhất định. Đã thi cử thì phải có áp lực, tuy nhiên áp lực là để cố gắng chứ không để quá tải, cần loại bỏ những áp lực không cần thiết với nhà tổ chức, học sinh, phụ huynh và xã hội”, ông Hiển nhấn mạnh.
Có kỳ thi chung sau năm 2016
Theo ông Trinh, một kỳ thi chung như dự kiến sẽ được tổ chức sau năm học 2016. Ngoài việc để xét đỗ tốt nghiệp, đây có thể coi là sự hỗ trợ của Bộ GDĐT cho trường chưa thể tiến hành việc tuyển sinh tự chủ ngay được, Bởi thực tế, hệ thống các cơ sở giáo dục đại học không đồng đều về lịch sử, tiềm năng, kinh nghiệm, cơ sở vật chất,…
Giải thích rõ hơn về “kỳ thi chung” sắp tới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Chúng ta sẽ có một kỳ thi chung, tuy nhiên tôi không nói là sẽ chỉ còn một kỳ thi chung. Vậy không có nghĩa là bỏ bớt đi một trong hai kỳ thi hiện nay (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ) mà là một kỳ thi sử dụng cho hai mục đích”.
Như vậy, các trường ĐH có thể sử dụng kết quả này làm căn cứ tuyển sinh, dựa theo toàn bộ cũng có thể chỉ dựa theo từng phần. Ngoài ra, các trường cũng có thể có những cách tuyển sinh, đánh giá thêm để phù hợp với nhu cầu đào tạo riêng.
Theo ông Hiển, để tiến tới một kỳ thi như vậy, cần chống tiêu cực thì mới đánh giá được khách quan, công bằng. Đề thi phải làm sao phản ánh được phẩm chất, năng lực của người học chứ không phải để xem học sinh học được bao nhiêu như hiện nay.
Đề thi cũng phải có tính phân hóa, người giỏi được điểm cao, người yếu thì điểm thấp hơn. Hiện, đề thi cũng đã đáp ứng được điều đó, phân hóa học sinh đạt loại giỏi, khá, kém, đến không đỗ tốt nghiệp nhưng vẫn cần làm tốt hơn nữa.
“Chúng ta sẽ học kinh nghiệm của quốc tế, Bộ GDĐT sẽ xây dựng thành các phương án, xin ý kiến rộng rãi, kể cả nhờ sự giúp đỡ của quốc tế, và hiện giờ đã mời họ. Sau đó, trình chính phủ phê duyệt, đạt yêu cầu sẽ triển khai”, ông Hiển chia sẻ.