Tình hình Syria: Damascus khủng hoảng nhiên liệu, chốt quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công
Khủng hoảng nhiên liệu ở Syria vì lệnh trừng phạt của Mỹ; Chốt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib bị tấn công là những diễn biến mới của tình hình Syria.
Khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng ở Syria
Bộ trưởng Dầu mỏ Syria nhấn mạnh, quốc gia này đang trải qua đợt thiếu hụt xăng dầu trầm trọng do sức ép từ lệnh trừng phạt của Mỹ làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu nhiên liệu.
Trong tuyên bố hôm 16/9, Bộ trưởng Dầu mỏ Syria Bassam Touma cho hay, Đạo luật Caesar được Mỹ thông qua và có hiệu lực thi hành từ tháng 6/2019 nhằm cấm các công ty nước ngoài giao thương với chính quyền Damascus, đã gây gián đoạn nhập khẩu hàng hóa của Syria từ các nhà cung cấp quốc tế.
Lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Syria đang rơi vào cuộc khủng hoảng xăng dầu nghiêm trọng. (Ảnh minh họa) |
“Vòng vây của Mỹ cùng lệnh trừng phạt hạn chế hoạt động nhập khẩu hàng hóa đã khiến chính phủ Syria phải cắt giảm năng suất phân phối xăng dầu mất 35%”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Touma.
Cũng theo ông Touma, người dân đang phải chứng kiến tình cảnh nguồn cung thiếu hụt trầm trọng ở ngay cả thủ đô và các thành phố lớn, khi mà hàng dài người xếp hàng tại các trạm xăng vào tuần trước.
Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu giữa lúc nền kinh tế Syria gần như sụp đổ hoàn toàn sau 9 năm nội chiến khiến đồng nội tệ mất giá và lạm phát tăng cao, càng tạo ra thêm thách thức và khó khăn cho dân thường Syria trong quá trình khôi phục cuộc sống sau chiến tranh.
Để đối phó với tình hình, chính phủ Syria đã giới hạn các phương tiện cá nhân chỉ được mua tối đa 30 lít xăng trong vòng 4 ngày. Thậm chí, hàng trăm người dùng xe máy đã phải xếp nhiều trước trước thời điểm trạm xăng mở bán.
Hoạt động sản xuất dầu mỏ ở Syria sụt giảm nghiêm trọng sau khi chính quyền Damascus mất quyền kiểm soát gần như toàn bộ khu mỏ dầu trải dài từ phía đông sông Euphrates thuộc tỉnh Deir al-Zor. Khu vực này hiện nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.
Trước đây, Syria từng phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Iran, nhưng do các lệnh trừng phạt tăng cường mà Mỹ áp đặt với Iran, Syria không thể mua năng lượng từ các đồng minh từ năm ngoái.
Còn theo Bộ trưởng Touma, tình trạng khan hiếm nhiên liệu càng trở nên trầm trọng do nhà máy lọc dầu Baniyas đang tiến hành bảo dưỡng quy mô lớn. Trong khi đó, Baniyas là cơ sở lọc dầu lớn nhất ở Syria với công suất 130.000 thùng dầu/ngày và cung cấp tới 2/3 nhu cầu dầu khí trong nước.
Ông Touma cho hay, công tác bảo dưỡng sẽ kết thúc trong 10 ngày tới và khi hoàn thành, công suất của nhà máy Baniyas sẽ tăng thêm 25%. Ngoài ra, các tàu chở dầu từ những nguồn bên ngoài cũng sắp cập bến giúp “hạ nhiệt” cơn khát nhiên liệu ở Syria.
Một số nguồn tin cho biết, nguồn dự trữ ngoại tệ cạn kiệt cũng là một phần nguyên nhân khiến Damascus phải giảm lượng nhiên liệu nhập khẩu trong vòng 2 tháng qua và dẫn tới cảnh khan hiếm hàng.
Chính quyền Mỹ như “nhóm khủng bố”
Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ trong chương trình Fox & Friends vào ngày 15/9 rằng, ông từng muốn “lật đổ” Tổng thống Syria Bashar Assad vào năm 2017, nhưng đã bị Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là ông James Mattis ngăn cản.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Syria ra tuyên bố phản ứng khi cho rằng, chính quyền Mỹ hành động giống như “nhóm khủng bố” và là “nhà nước tàn bạo”.
“Lời thú nhận của Tổng thống Trump cho thấy chính quyền Mỹ là tàn bạo và vô pháp”, SANA dẫn lời Bộ Ngoại giao Syria.
“Mỹ theo đuổi những phương thức mà các nhóm khủng bố hay làm là giết hại và ám sát mà không tính tới vấn đề pháp luật, nhân đạo hay các quy tắc đạo lý mà chỉ muốn giành được lợi ích trong khu vực”, Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh.
Tiết lộ của ông Trump trùng với thông tin từng được phóng viên Bob Woodward công bố trong cuốn sách xuất bản năm 2018 mang tựa đề "Nỗi sợ hãi: Trump trong Nhà Trắng". Theo đó, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc ám sát Tổng thống Syria sau khi xảy ra cuộc tấn công hóa học nhằm vào dân thường hồi tháng 4/2017.
Tuy nhiên, sau khi cuốn sách xuất bản, ông Trump đã phủ nhận thông tin này và khẳng định việc ám sát Tổng thống Assad "chưa bao giờ được lên kế hoạch và sẽ không bao giờ được lên kế hoạch".
Với cáo buộc chính quyền Damascus là thủ phạm thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào người dân ở thị trấn Khan Shaykhun vào tháng 4/2017, Mỹ đã cho triển khai đợt không kích nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ở Syria. Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng phản đối hành động của Mỹ khi cho rằng, đây là việc làm vi phạm luật pháp quốc tế.
Tới năm 2018, Mỹ cũng cáo buộc quân đội Syria tiến hành tấn công hóa học ở thành phố Douma.
Chốt quân sự của Thổ Nhì Kỳ bị tấn công
Tỉnh Idlib hiện là nơi cư trú của số lượng lớn tay súng phiến quân ở Syria với hàng chục ngàn thành viên và thân nhân. Phiến quân di chuyển tới Idlib theo thỏa thuận ký kết với chính quyền Damascus, sau khi quân đội Syria giải phóng được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn từ năm 2015 – 2018.
Chia sẻ trên Twitter hôm 16/9, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc các nhóm ủng hộ chính phủ Syria đã tiếp cận hàng loạt chốt quan sát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib sau đó tấn công 1 trong những địa điểm này.
“Các nhóm trông giống như dân thường dưới sự chỉ đạo của chính quyền Tổng thống Assad đã tiếp cận các chốt số 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 ở vùng hạ nhiệt căng thẳng Idlib và tấn công chốt số 7. Các nhóm này chỉ giải tán khi Thổ Nhĩ Kỳ có hành động đáp trả”, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ không nói chi tiết “các biện pháp” mà quân đội nước này đưa ra để ngăn chặn đám đông tấn công là gì. Hiện chưa có báo cáo thiệt hại tại chốt số 7 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, những bức ảnh được Sputnik công bố cho thấy bên ngoài chốt quan sát số 7 của Thổ Nhĩ Kỳ, đám đông tụ tập cầm theo quốc kỳ của Syria và Palestine cùng ảnh chân dung của Tổng thống Assad.
Một đoạn video được công bố trên mạng xã hội còn hé lộ cảnh đám đông la hét ngoài hàng rào tại chốt quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gần ngôi làng Sarman, phía nam tỉnh Idlib. Sau đó, đám đông bị xịt hơi cay và buộc phải giải tán.
Vào sáng sớm ngày 16/9, một nguồn tin cho biết thêm giới chức Nga – Thổ đã tiến hành đàm phán về việc rút bớt chốt quan sát và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib bao gồm cả việc di chuyển các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực. Song nguồn tin xác nhận, “hiện Thổ Nhĩ Kỳ chưa nhân nhượng về vấn đề này”.
Thổ Nhĩ Kỳ cho thiết lập 12 chốt quan sát chính thức ở tỉnh Idlib và một phần ở tỉnh Aleppo. Ngoài ra, hơn 20 chốt quan sát “phi chính thức” được báo cáo đang hoạt động trong vùng. Ankara cho thiết lập các chốt quan sát này vào tháng 10/2017 theo thỏa thuận ký kết với Moscow và Tehran nhằm giúp chấm dứt xung đột ở Syria, cũng như phân loại những tay súng nổi dậy trung hòa ra khỏi các nhóm phiến quân khủng bố.
Căng thẳng ở Idlib bùng phát vào cuối năm 2019, sau khi quân đội Syria cho triển khai hoạt động tấn công tiêu diệt các nhóm khủng bố. Trong quá trình tấn công, quân đội Syria đã giành được ưu thế gần các chốt quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, một số trận giao tranh quy mô lớn cũng đã bùng nổ giữa quân đội Syria – Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Hai, khiến hơn 1.400 binh sĩ Syria, 73 lính Thổ Nhĩ Kỳ và gần 1.500 tay súng phiến quân được Ankara hậu thuẫn, thiệt mạng.
Tới tháng Ba, cuộc chiến đẫm máu mới dừng lại nhờ thỏa thuận ngừng bắn được Nga – Thổ ký kết. Đồng thời, quân đội Nga – Thổ cho tiến hành tuần tra chung để hạ nhiệt căng thẳng khu vực.
Về phần mình, Damascus nhiều lần lên tiếng nhấn mạnh các lực lượng quân sự nước ngoài không được mời mà tới hoạt động ở Syria là hành động xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng và phải dời đi. Chính phủ Syria tuyên bố, một ngày nào đó sẽ đưa người dân Syria trở lại sinh sống ở các vùng đất mà Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng được Ankara hậu thuẫn, Mỹ, Israel và phiến quân đang nắm quyền kiểm soát.
Tình hình Syria: Quân đội Nga 'bao vây' lực lượng Mỹ ở mỏ dầu Syria
Trực thăng quân đội Mỹ gặp nạn ở Syria; Phái đoàn quân đội Nga "bao vây" khu vực liên quân Mỹ chiếm đóng ở phía đông bắc Syria là những diễn biến mới của tình hình Syria.
Minh Thu (lược dịch)