Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh
Tại buổi họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 27/12 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, năm 2022 NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.
Từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành. Trong đó có hai lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng với tổng mức tăng 0,8-2%/năm; tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên.
Động thái trên của NHNN được đánh giá là kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tạo dư địa thích ứng mới với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an toàn hệ thống.
Mặc dù chịu nhiều khó khăn, thách thức, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt để thích ứng trước diễn biến khó lường và áp lực lớn của thị trường quốc tế. Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng đáp ứng, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Về điều hành các giải pháp tín dụng chung, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.
Đáng chú ý, tháng 11/2022 NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các ngân hàng.
Tính đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.
Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát đảm bảo mục tiêu Quốc hội đề ra; đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, dự báo năm 2023 khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái là rất lớn, đặc biệt là những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng mặt bằng lãi suất và lạm phát cao sẽ tiếp tục; xu hướng dịch chuyển dòng vốn còn tiếp diễn... Trong nước, lạm phát cơ bản đang tăng liên tục trong thời gian qua và cả giai đoạn sắp tới. Vì vậy quan điểm của NHNN là không chủ quan với rủi ro lạm phát. Tất cả định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đều là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì sự an toàn, bền vững, lành mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng.
Tuân Nguyễn