Tìm giải pháp biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên
Phát biểu tại Diễn đàn, TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay có trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp và chỉ có 15% trong đó được chôn lấp hợp vệ sinh. Vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí mê tan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính. Trước những khó khăn, thách thức này, thiết nghĩ các giải pháp như: phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải … nên được tăng cường áp dụng.

TS Đào Xuân Hưng cũng cho biết, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường mong muốn thông qua Diễn đàn này, góp phần truyền thông chính sách tới người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phân loại rác đầu nguồn, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường sống an toàn cho nhân loại.
Tại Diễn đàn, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho biết, chất thải rắn là một nguồn tài nguyên, nhưng nếu không có biện pháp xử lí tốt thì không bao giờ có thể thành tài nguyên.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cũng khẳng định: Hiện nay, nhân loại đang phải đối mặt với các thách thức về khủng hoảng kinh tế, cạn kiệt nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu. Để vượt qua các khủng hoảng này, một trong những giải pháp là phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, coi chất thải là như là một nguồn tài nguyên. Sau những kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ đưa ra một số giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt như:
Khuyến khích tái chế và tái sử dụng; Phát triển công nghiệp chế biến chất thải đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt; Xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả; Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo; Tăng cường hợp tác công- tư; Thúc đẩy kinh doanh xanh và mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh quốc tế.
Với chủ đề tham luận “Chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam: Thực trạng và thách thức, ThS Nguyễn Thị Thu Hoài đến từ Viện Khoa học Môi trường cho rằng: Biến chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam thành tài nguyên đang gặp nhiều khó khăn. Điều này thể hiện ở vấn đề nhận thức của người dân, cộng đồng trong phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hầu hết công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn lạc hậu và gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người. Hiện cũng chưa có hướng dẫn về danh mục công nghệ xử lý, tái chế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đặc biệt là tình trạng thiếu kinh phí, ngân sách địa phương không đủ đầu tư để triển khai thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt đồng bộ và hiệu quả.
Đề cập đến vai trò của cộng đồng trong xử lý và biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên, điểm mới của Luật bảo vệ môi trường, PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng viện Tài nguyên,Môi trường & Phát triển cộng đồng cho biết, vai trò của cộng đồng trong bảo về môi trường nói chung, trong xử lý và biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên đã có hành lang pháp lý chặt chẽ, vấn đề ở đây là tổ chức thực hiện như thế nào? Làm thế nào để cộng đồng thực hiện được vai trò của mình như là luật định? PGS.TS. Bùi Thị An cũng nhấn mạnh đến nội dung quyền lợi và nghĩa vụ trong xử lý và biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên.
Được biết, Diễn đàn Môi trường là sự kiện thường niên hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) và ngày Đại dương thế giới (8/6). Diễn đàn Môi trường năm 2023 với chủ đề “Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên” do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (13/10/2003 - 13/10/2023).
Huệ Anh