Hiệu quả từ mô thu gom, xử lý rác thải ở Hà Nam
Tại xã Hoàng Tây (Kim Bảng), việc tổ chức thu gom, xử lý vỏ bao, bì đựng thuốc BVTV đã có sự thay đổi. Theo đó, UBND xã chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Hoàng Tây đầu tư đặt thêm các thùng rác, có nắp đậy tại đầu những cánh đồng. Người dân sau khi phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh sẽ thu gom vỏ bao bì bỏ vào thùng rác đồng ruộng. Hiện, trên các cánh đồng của xã đã có hơn 30 thùng rác đồng ruộng. Lượng vỏ bao bì thuốc BVTV đã được thu gom về đạt trên 80%. Tuy nhiên, việc xử lý sau khi thu gom chưa tốt, thường đưa vào bể chung chuyển rác thải sinh hoạt để đưa đi xử lý.
Từ năm 2021, xã Hoàng Tây đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư và kỹ thuật tài nguyên môi trường ETC tại thành phố Nam Định vận chuyển và xử lý triệt để loại rác thải nguy hại này. Qua đó tạo sự thay đổi căn bản trong xử lý rác thải nguy hại từ nguồn vỏ bao bì đựng thuốc BVTV tại xã Hoàng Tây.
Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Tây cho biết: Việc ký hợp đồng với doanh nghiệp đã xử lý triệt để được lượng rác thải nguy hại bị bỏ ra trong quá trình sản xuất. Xã đang chỉ đạo HTXDVNN, các hội, đoàn thể tuyên truyền để người dân thực hiện tốt việc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sản xuất đưa về các thùng rác.
Thời gian qua, một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức thu gom và ký hợp đồng với doanh nghiệp vận chuyển, xử lý triệt để rác thải nguy hại từ sản xuất trên địa bàn. Chẳng hạn, xã Tiêu Động (Bình Lục) đã ký hợp đồng với doanh nghiệp xử lý toàn bộ lượng vỏ bao bì thuốc BVTV được thu gom… Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiêu Động, địa phương đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm 2022. Trong đó có chỉ tiêu về tỷ lệ chất thải rắn nguy hại trên đia bàn thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Toàn bộ lượng rác thải nguy hại là vỏ bao bì đựng thuốc BVTV được tổ chức thu gom và ký hợp đồng với doanh nghiệp có chức năng về vận chuyển đưa đi xử lý.
Thực tế, việc thu gom rác thải nguy hại là vỏ bao bì thuốc BVTV đã được các địa phương trong tỉnh triển khai từ hàng chục năm nay. Trên đồng ruộng đều bố trí thùng rác để người dân thu gom bỏ vào sau khi sản xuất. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý trước đây mới ở mức độ nhất định. Đa phần loại rác thải nguy hại này dù được thu gom nhưng quá trình xử lý chưa được đảm bảo, chủ yếu chôn lấp hay đưa vào cùng với rác thải sinh hoạt. Nhất là giai đoạn hơn 10 năm trước, khi các địa phương quy hoạch lại đồng ruộng, làm các tuyến đường trục chính ra đồng, nhiều thùng rác đồng ruộng đã bị vỡ, thất thoát. Một vấn đề nữa, tại một số nơi, thùng rác đồng ruộng luôn bị quá tải do người dân bỏ cả những loại rác thải khác làm hạn chế chức năng chính là đựng rác thải nguy hại…
Những năm trước, ngành chức năng tại Hà Nam đã triển khai một số mô hình xử lý rác thải nguy hại là vỏ bao bì thuốc BVTV. Chẳng hạn, Hợp tác xã Hạ Vỹ (xã Nhân Chính – Lý Nhân) đã được Tổ chức Jica (Nhật Bản) tài trợ thùng rác đạt tiêu chuẩn, có quy trình xử lý sau khi thu gom.
Hay HTXDVNN Kim Bình (thành phố Phủ Lý) được triển khai mô hình thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV theo hình thức ngâm, rửa bằng nước vôi. Tuy nhiên. mô hình này khó phát huy hiệu quả và không được duy trì đều. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTXDVNN Kim Bình cho biết: Quá trình xử lý mất nhiều công, độc hại, do vỏ bao bì sau khi ngâm nước vôi phải xúc rửa 3 lần để sạch hết lượng thuốc còn đóng lại bên trong. Hợp tác xã không có nguồn kinh phí để thực hiện, chưa kể tới việc khó thuê lao động do công việc quá độc hại. Hiện nay, việc xử lý vỏ bao bì đựng thuốc BVTV tại địa phương vẫn phải dồn chung vào rác thải sinh hoạt.
Hình thức thu gom vỏ bao bì đựng thuốc BVTV và ký hợp đồng với doanh nghiệp có chức năng xử lý rác thải nguy hại tại một số địa phương đang là cách làm hiệu quả. Với cách làm này, lượng thuốc BVTV còn tồn dư trong các vỏ bao bì được xử lý triệt để, không phát tán ra môi trường đồng ruộng, nguồn nước…