Tiếp tục rót 500 triệu USD vào Việt Nam, Grab có thực sự “khôn ngoan”?
Nghị định 10 ảnh hưởng tới Grab như thế nào?
Để hiểu rõ vì sao Grab vẫn đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm tới và đó liệu có phải là quyết định khôn ngoan hay không, việc đầu tiên cần hiểu rõ những điểm mới trong nghị định 10 ảnh hưởng tới xe công nghệ nói chung và Grab nói riêng.
Trước hết phải khẳng định, Nghị định này ra đời thay thế cho Nghị định 86/2014 đã trở nên không còn thích hợp, quy định về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Quy định mới này có tác động đến cả ngành vận tải nói chung, các doanh nghiệp xe hợp đồng điện tử nói riêng và Grab hiện là một trong những doanh nghiệp lớn triển khai hợp đồng điện tử trong vận tải. Mô hình hoạt động năng động của hãng cho thấy việc áp dụng quy định mới sẽ không làm thay đổi quá lớn trong thời gian tới.
Đại diện Grab cũng khẳng định: “Thay vì hoạt động trong khuôn khổ một Đề án thí điểm, từ ngày 1/4/2020, Grab và các mô hình như Grab có thể chính thức hoạt động trên phạm vi toàn quốc theo luật định”.
Như vậy nghị định 10 có hiệu lực từ 1/4/2020 tới giúp Grab được công nhận như các công ty khác kinh doanh ở Việt Nam và đi vào hoạt động chính thức, tạo an tâm cho từ nhà đầu tư đến đối tác lái xe và các đối tượng liên quan khác.
Tiếp tục rót 500 triệu USD vào thị trường rộng mở
Việc dừng thí điểm và áp dụng nghị định 10 được nhận định là sẽ giúp hoạt động của xe công nghệ quy chuẩn hơn và loại hình vận tải này được công nhận chính thức chứ không chỉ ở mức thí điểm như trước đây. Mô hình này cũng sẽ được thoải mái triển khai, mở rộng ở bất cứ tỉnh, thành nào có đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, thay vì chỉ giới hạn tại 5 tỉnh, thành lớn như trước. Như vậy, sau 4 năm thí điểm, taxi công nghệ đã chính thức có hành lang pháp lý "cứng" và thị trường rộng mở.
Dường như hiểu rõ cơ hội đang mở ra, Grab cam kết vẫn tiếp tục đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics với mục tiêu tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, tạo ra hàng triệu cơ hội tăng thêm thu nhập và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Cụ thể, 500 triệu USD sẽ được sử dụng để triển khai các dịch vụ mới tại Việt Nam và mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics.
Tiếp tục khẳng định cam kết lâu dài của Grab tại Việt Nam, Grab cũng sẽ chú trọng tới 3 lĩnh vực. Thứ nhất là góp phần giảm nghèo cho các cộng đồng dân cư, mở rộng lợi ích to lớn của nền kinh tế số tới khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc và giúp hàng triệu người Việt Nam có thêm thu nhập khi các đối tác tài xế, đối tác giao nhận và đối tác kinh doanh có thể trở thành những doanh nghiệp siêu nhỏ hợp tác trên nền tảng Grab. Grab kỳ vọng các hoạt động này sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu quốc gia về việc giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống thấp dưới mức 4%.
Thứ 2 là góp phần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng, phù hợp với chiến lược tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030 của Chính phủ. Grab cũng góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân về tài chính và kỹ thuật số, qua đó đóng góp một phần vào mục tiêu quốc gia là có được 65-70% dân số hiểu biết về hai lĩnh vực này.
Thứ 3 là góp phần tạo ra một môi trường bền vững cho tương lai. Grab cam kết hướng tới một tương lai di chuyển chia sẻ, liền mạch và thông minh cho Việt Nam, bao gồm các giải pháp bổ trợ cho hệ thống giao thông công cộng hiện có và thay đổi thói quen người dân từ sở hữu phương tiện cá nhân sang sử dụng phương thức di chuyển chung như GrabBus, một dịch vụ di chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của đông đảo người dân.
Grab cũng đặt mục tiêu hợp tác với chính quyền thành phố và các cơ quan hoạch định chính sách để tận dụng dữ liệu, từ đó giúp quy hoạch đô thị tốt hơn và giảm thiểu các khó khăn như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Grab cũng sẽ đặt tính bền vững vào trung tâm hoạt động kinh doanh của mình, ví dụ như hướng đến mục tiêu giảm chất thải nhựa cho dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood.