Thương lái ráo riết gom hàng đưa sang Trung Quốc, giá sầu riêng cao kỷ lục
Gom hàng với giá cao kỷ lục lịch sử
Chiều 27/1, anh Đặng Mạnh Khương - vựa thu mua sầu riêng ở Cần Thơ - than thở, 3 ngày trở lại đây anh không gom được sầu riêng để trả đơn cho các mối sỉ nội địa. Nguyên nhân, giá sầu tại vườn tăng cao ngất ngưởng. Trong khi, nhà vườn thấy thương lái nào trả giá cao hơn thì gật đầu bán.
“Sầu riêng cân xô giá đã lên tới 100.000-120.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao hiếm có”, anh nói. Ở khu vực miền Tây còn khoảng 1,5 tháng nữa mới rộ vụ thu hoạch. Thời điểm này vẫn chỉ là sầu trái vụ, sản lượng khan hiếm nhưng Trung Quốc “ăn hàng” nên giá tăng mạnh.
Các công ty xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc phải đóng cả container nên nếu thiếu hàng, giá có tăng cao họ vẫn phải gom mua đủ số lượng. Các vựa chuyên cung cấp sầu cho thị trường nội địa như anh đành lắc đầu vì mức giá này mối sỉ cũng không dám nhập, anh Khương cho hay.
Một vựa sầu riêng ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) ngày 27/1 gom mua sầu Ri6 với giá dao động từ 105.000-125.000 đồng/kg, sầu Thái giá 145.000-165.000 đồng/kg.
Gần 30 năm trồng sầu riêng ở Cai Lậy, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp, thừa nhận, loại trái cây này đang có giá cao kỷ lục lịch sử.
Ông cho biết, trước kia giá sầu riêng đỉnh điểm cũng chỉ dừng ở 105.000 đồng/kg. Nhưng giữa tháng 1 này, giá sầu Thái đã vọt lên 170.000-190.000 đồng/kg, Ri6 140.000-160.000 đồng/kg. Hiện giá sầu đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức 140.000-150.000 đồng/kg, tuỳ loại.
“Giá sầu riêng càng đắt đỏ thì hàng càng dễ bán. Trước kia loại sầu 3,5 hộc múi mới đạt tiêu chuẩn thu mua xuất khẩu, nay loại quả 2,5 hộc các vựa cũng gom mua sạch. Đến sầu kem giờ cũng được giá”, ông nói.
Tại Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp, diện tích sầu của các thành viên chỉ khoảng 50ha và đã được cấp mã số vùng trồng xuất đi Trung Quốc. Thời gian tới, hợp tác xã dự kiến mở rộng diện tích vùng trồng lên 500ha.
Theo ông Lộc, sầu riêng được xuất chính ngạch sang Trung Quốc nên người trồng sầu như ông được hưởng lợi khi giá tăng cao. Đặc biệt, dịp này hộ nào có sầu riêng cho thu trái vụ sẽ trúng lớn.
Tính toán từ Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho thấy, sầu riêng địa phương đạt năng suất bình quân từ 20-25 tấn/ha. Nếu thu hoạch đúng thời điểm “sốt giá”, doanh thu sẽ đạt trên 2 tỷ đồng/ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân có thể thu lãi từ 1-1,5 tỷ đồng/ha.
Thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu trên dưới 4 tỷ USD một năm. Trước đó, sầu riêng Thái Lan phủ sóng thị trường này, còn Việt Nam mới chính thức xuất khẩu lô sầu đầu tiên vào giữa tháng 9/2022 theo nghị định thư ký giữa hai nước.
Từ đó đến nay, kim ngạch xuất khẩu sầu của nước ta tăng mạnh. Tháng 10 năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc còn tăng khoảng 4.120% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, ước tính, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt gần 400 triệu USD, riêng xuất sang Trung Quốc ước đạt 300 triệu USD.
Tuy nhiên mới đây, theo freshplaza.com, Trung Quốc đã cho phép sầu riêng của Philippines được nhập khẩu vào nước này từ ngày 4/1/2023.
Mùa sầu riêng địa phương ở thành phố Davao (chiếm 80% sản lượng sầu riêng của Philippines) từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. So với các giống sầu riêng nổi tiếng khác, giống phổ biến ở Davao là Puyat và D101 có khả năng kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất cao hơn.
Như vậy, ngoài Thái Lan, sầu riêng Việt sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh là Philippines tại thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, sầu riêng Việt vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc. Ông phân tích, diện tích và sản lượng sầu của Philippines còn khiêm tốn. Họ tính toán cả năm 2023, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 150 triệu USD - con số không đáng kể so với vài tỷ USD nhập sầu riêng của Trung Quốc.
Hơn nữa, cả sầu Thái Lan và Philippines đều thu hoạch theo mùa, trong khi ở nước ta có nhiều vùng trồng với thời gian thu hoạch lệch nhau nên có hàng xuất khẩu quanh năm. Cùng với đó, quãng đường vận chuyển sầu từ nước ta sang Trung Quốc chỉ mất khoảng 1,5 ngày, đảm bảo sầu tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng của các đối thủ cạnh tranh.
"Sản lượng sầu riêng tại Việt Nam lên tới trên 1 triệu tấn. Chúng ta cần làm tốt khâu vùng trồng, cơ sở đóng gói, giữ chất lượng ổn định thì năm 2023, xuất khẩu sầu riêng có thể thu về hơn 1 tỷ USD", ông khẳng định.
Tâm An