Thượng đỉnh Putin-Biden diễn ra ở đâu, thảo luận về vấn đề gì?
Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp nhau tại Geneva vào ngày 16/6.
“Theo thỏa thuận đã đạt được, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc hội đàm tại Geneva vào ngày 16/6 với Tổng thống Mỹ Joe Biden”, RIA dẫn một thông báo được đưa ra bởi Điện Kremlin hôm 25/5.
Theo thư ký báo chí của nhà lãnh đạo Nga, ông Dmitry Peskov, các chi tiết của cuộc gặp vẫn chưa được thống nhất, nhưng trong số các chủ đề mà các nhà lãnh đạo dự định sẽ thảo luận về tình trạng và triển vọng phát triển hơn nữa quan hệ Nga-Mỹ.
Ngoài ra, chủ đề thảo luận của các Tổng thống sẽ là các vấn đề ổn định chiến lược, cũng như các vấn đề thời sự của chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm sự tương tác của các nước trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 và giải quyết các xung đột khu vực.
Nga và Mỹ đều bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đối thoại về các lĩnh vực quan trọng nhất như đảm bảo an ninh toàn cầu. (Ảnh: RIA) |
Trong khi đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki không loại trừ việc các nguyên thủ sẽ đề cập đến vấn đề tương tác giữa Moscow và Washington về ổn định hạt nhân.
“Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng thống Putin vào ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sĩ. Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về toàn bộ các vấn đề cấp thiết, trong chừng mực chúng tôi cố gắng khôi phục tính ổn định và khả năng tiên liệu trong quan hệ Mỹ-Nga”, bà Psaki cho biết.
Bà Psaki lưu ý rằng ông Biden có kế hoạch nêu ra chủ đề về Ukraine. “Tổng thống có ý định nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, bà Psaki nói, một chủ đề được lên kế hoạch khác là mối quan tâm của ông Biden với Belarus.
Một phát ngôn viên của Nhà Trắng nhấn mạnh rằng các chủ đề mới có thể xuất hiện trong ba tuần tới.
Phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết thể thức của hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ và thành phần của các phái đoàn vẫn chưa được xác định cụ thể.
“Chúng tôi sẽ cung cấp một thông cáo báo chí. Tôi vẫn chưa thể nói bất cứ điều gì về hình thức của cuộc gặp, nhưng như thường lệ, thường có đại diện của cả hai bên”, bà Psaki trả lời câu hỏi về thành phần tham gia thượng đỉnh.
Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng nói thêm Mỹ không đưa ra các điều kiện tiên quyết để tổ chức hội nghị thượng đỉnh. “Mỹ không kỳ vọng rằng sau hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin, quan hệ giữa hai nước sẽ ngay lập tức được cải thiện, nhưng họ muốn một mối quan hệ có thể đoán trước được”, bà Psaki cho hay.
Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng đưa ra bình luận về hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden.
“Tôi hài lòng chào đón tin tức về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp tới. Chương trình nghị sự được công bố là rất lớn, đặc biệt là khi xem xét rằng nhiều vấn đề đã bị phá hủy trong các vấn đề ổn định chiến lược. Chúng tôi cần phải xây dựng lại”, ông Gorbachev nói trong một cuộc phỏng vấn với Interfax.
Theo ông Gorbachev, Nga có thể xây dựng quan hệ với Mỹ, mặc dù điều này sẽ không dễ đạt được. Tuy nhiên, phải đạt được một thỏa thuận để khôi phục sự ổn định chiến lược.
“Nhà Trắng có một tổng thống mới, và có thể thương lượng với ông ấy. Niềm tin phải được xây dựng. Đội ngũ trước hóa ra không đáng tin cậy. Chúng ta phải nói rằng, tranh luận cuối cùng sẽ cho một kết quả tích cực. Sẽ thành công nhưng rất khó để đạt được”, cựu Tổng thống Liên Xô lưu ý.
Ông Gorbachev giải thích rằng cần phải tìm cách giải quyết các xung đột khu vực và không cần phải e ngại các cuộc đàm phán, mặc dù chúng có thể rất khó khăn.
“Việc giải quyết các xung đột khu vực rất khó khăn. Đôi khi một mớ hỗn độn như vậy có thể được tạo ra mà không thể giải quyết được. Các tranh chấp khu vực phải được hiểu không thể được giải quyết nhanh chóng. Nhưng điều đó là cần thiết, bởi vì người dân ở đó cũng cần được sống trong hòa bình và tin tưởng”, ông Gorbachev nhận định.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ, Tổng thống Putin sẵn sàng xem xét các mối quan hệ song phương và các vấn đề toàn cầu.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga lưu ý rằng, các vấn đề liên quan đến ổn định là một phần không thể thiếu trong các cuộc đàm phán giữa Nga-Mỹ và sẽ được thảo luận ở tất cả các cấp.
Nord Stream 2 tạo tiền lệ xấu cho Mỹ
Ông Igor Yushkov, chuyên gia phân tích tài chính của Quỹ an ninh năng lượng quốc gia, Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ Nga đã giải thích lý do Washington tiếp tục đề cập đến chủ đề Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).
Thanh Bình (lược dịch)