Bỏ thuốc tây, uống nước lá, quả có giúp ổn định đường huyết?
Được chẩn đoán đái tháo đường type 2 nhưng thấy người chưa có biểu hiện nặng, người bệnh tham gia vào một nhóm kín chuyên đái tháo đường, thấy có người nói uống thuốc Tây sẽ hỏng hết lục phủ ngũ tạng, trong khi điều chỉnh chế độ ăn uống cùng sử dụng các loại cây cỏ có sẵn vẫn kiểm soát được đường huyết, anh Nguyễn Văn Quang (37 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) sau 3 tháng uống thuốc Tây, đường huyết đã ổn định. Người đàn ông này quyết định bỏ thuốc Tây mà chuyển sang uống thuốc nam.
Ngoài sắc nước dây thìa canh uống hàng ngày, món ăn trường diễn của người đàn ông này là mướp đắng. Mướp đắng xào trứng, mướp đắng đúc thịt….Thậm chí, có đợt hết mùa khó mua anh lại đặt cả quả sake chuyển từ miền Nam ra để ăn.
“Tiện chuyến tôi đặt luôn cả lá sake khô để đun nước uống. Hy vọng đường huyết của tôi ổn định như những gì tôi đọc được ở trên mạng”, người đàn ông này cho hay.
Chia sẻ với phóng viên Infonet về cách chữa đái tháo đường dường như không phải là hiếm này, TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, đái đáo đường là một căn bệnh phổ biến mà nguyên nhân là do tuyến tụy trong cơ thể không sản xuất đủ insulin (tiểu đường type 1) hoặc sự đề kháng insulin tại tế bào (tiểu đường type 2).
Nếu không điều trị, tiểu đường có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây mù lòa, suy thận, các bệnh lý mạch vành, tổn thương dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân…
Vì vậy, việc sớm kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng là rất cần thiết đối với bệnh nhân.
Bởi, theo thông tin tại Hội nghị khoa học về bệnh Nội tiết, Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần XI, năm 2022 diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết: Thống kê cách đây khoảng 20 năm ở Hà Nội tỉ lệ mắc đái tháo đường là 1,4%, ở TP.HCM là 2,5%.
Kết quả điều tra năm 2012 cho thấy tỉ lệ đái tháo đường trên toàn quốc là 5,7%, trong đó khoảng 60% bệnh nhân chưa được chẩn đoán.
Nghiên cứu mới đây nhất cho thấy tỉ lệ đái tháo đường ở Việt Nam là 7,3%. Điều đó cho thấy tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh.
Các chuyên gia lo ngại, bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi và thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.
TS. BS Đỗ Đình Tùng cho biết, phương pháp điều trị đái tháo đường cơ bản gồm chế độ luyện tập, ăn uống kèm theo sử dụng các loại thuốc tây để kiểm soát đường máu.
“Một số các loại thực phẩm chức năng, cây, hoa, quả, lá chỉ có tác dụng hỗ trợ đái tháo đường mà thôi. Còn uống nước lá cây, quả để điều trị dứt điểm hoàn toàn đái tháo đường là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thậm chí rất nguy hiểm”, TS. BS Đỗ Đình Tùng cảnh báo.
Đồng ý rằng thuốc Tây như con dao hai lưỡi nhưng TS. BS Đình Tùng khẳng định sử dụng đúng sẽ không gây hại cho sức khoẻ mà làm hạn chế các biến chứng của đái tháo đường.
Trên thực tế có rất nhiều loại thuốc Tây chữa đái tháo đường, thuốc phải do các bác sĩ căn cứ trên các xét nghiệm, căn cứ qua các lần thăm khám kê đơn. Người bệnh cần tuân thủ, dù chỉ bỏ một loại thuốc cũng sẽ làm kiểm soát các biến chứng đái tháo đường không tốt gây nên các nguy hại cho sức khoẻ.
“Do đó, người bệnh không tự ý dừng thuốc khi bác sĩ chưa cho phép. Khi đã mắc đái tháo đường được các bác sĩ kê đơn uống thì đường huyết trở về ổn định. Tuy nhiên, đường huyết ổn định này là do dùng thuốc, bệnh ổn định chứ không phải cơ thể của chúng ta đã được điều trị dứt điểm đái tháo đường để chuyển sang chữa trị bằng phương pháp khác là không nên”, TS. BS Đỗ Đình Tùng cho hay.
Ngoài ra, PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn cũng lưu ý, người bệnh sau khi uống thuốc cần phải thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Giai đoạn đầu đường huyết của người bệnh không ổn định, có thể khám theo lịch hẹn 2 tuần/lần, 1 tháng/1 lần. Khi đường huyết ổn định, có thể khám định kỳ 2- 3 tháng/lần.
“Việc bỏ tái khám làm cho người bệnh kiểm soát đường huyết không tốt dẫn đến rất nhiều biến chứng. Các biến chứng có thể kể đến: tim mạch, mắt, chân, tim và thận hết sức nguy hiểm”, TS. BS Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế thì mô hình bệnh tật của Việt Nam đang có sự dịch chuyển. Trong khi các bệnh lý nhiễm trùng và suy dinh dưỡng đang được kiểm soát dần thì thay vào đó là sự gia tăng mạnh của các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, đái tháo đường,… Theo ước tính, các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 77% nguyên nhân gây tử vong hiện nay. |
N. Huyền