Thuốc kháng virus Molnupiravir được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 dành cho bệnh nhân nào?
Ngày 6/10, Bộ Y tế ra Quyết định về việc ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19", trong đó Bộ đã bổ sung thuốc Molnupiravir 400 mg dùng cho bệnh nhân nhẹ.
Ảnh minh hoạ |
Ngại đến viện vì dịch Covid-19, nhiều người mắc sốt xuất huyết chuyển nặng tràn dịch ổ bụng, tụt tiểu cầu
Dịch sốt xuất huyết năm nay có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết... phải vào viện truyền khối tiểu cầu.
Thêm thuốc kháng virus, thêm cơ hội cho bệnh nhân mắc Covid-19
Hướng dẫn mới nhất này sẽ thay thế hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành hồi tháng 7. Trong đó, Bộ Y tế đã quy định cụ thể với 3 loại thuốc: Thuốc kháng virus, thuốc kháng thể kháng virus, thuốc ức chế Interleukin-6. Trong đó, với thuốc kháng virus, Bộ Y tế đã bổ sung thuốc Molnupiravir 400 mg bên cạnh Remdesivir,...
Như vậy, Molnupiravir là loại thuốc kháng virus thứ hai được đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. Loại thuốc đang được sử dụng là Remdesivir, dành cho bệnh nhân nặng, người trên 65 tuổi, béo phì đang điều trị ở bệnh viện. Remdesivir sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch.
Còn đối với Molnupiravir 400 mg chỉ định dùng cho bệnh nhân nhẹ, sử dụng bằng đường uống. Molnupiravir là thuốc kháng virus mới, đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Molnupiravir được Bộ Y tế đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care), từ cuối tháng 8.
Hơn 26.000 ca F0 ở TP HCM đang điều trị tại nhà đã được phát 3 túi thuốc (A, B, C), tùy tình trạng bệnh lý. Trong đó, túi thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Túi thuốc B là những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt bao gồm thuốc kháng viêm corticoid và thuốc kháng đông. Đặc biệt, túi thuốc C là thuốc kháng virus Molnupiravir.
Đánh giá về thuốc kháng virus thứ hai được sử dụng tại Việt Nam này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện chưa có số liệu khoa học thật sự về kết quả thử nghiệm Molnupiravir. Tuy nhiên, đánh giá bước đầu, thuốc giúp giảm tải lượng virus tốt.
Theo thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện ở TP HCM thời gian qua đã giảm rất nhiều. Có được kết quả này một phần do kiểm soát y tế tốt, phần khác cũng nhờ một số thuốc hỗ trợ điều trị như thuốc kháng viêm, kháng đông, thuốc kháng virus Molnupiravir cho F0 nhẹ tại nhà.
F0 có thể xuất viện sau 10 ngày điều trị
Cũng tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới nhất này, Bộ Y tế quy định các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng được ra viện khi đã được cách ly, điều trị tối thiểu 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (CT ≥ 30) vào ngày thứ 9.
Các trường hợp có triệu chứng lâm sàng được ra viện khi đủ các điều kiện sau: Được cách ly, điều trị tối thiểu 14 ngày; các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (CT ≥ 30) vào trước ngày ra viện.
Các trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm RT-PCR nhiều lần có nồng độ virus CT < 30 được ra viện đủ các điều kiện sau: Đã được cách ly điều trị tại cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 đủ 21 ngày tính từ ngày có kết quả dương tính với SARS-CoV-2; các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.
Người được ra viện sẽ được giám sát tại nhà bởi y tế cơ sở và CDC địa phương. Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày (hướng dẫn trước là cách ly 14 ngày), đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở 2 lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào, cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời. Người bệnh luôn tuân thủ thông điệp 5K.
N. Huyền