Thủng má, áp xe vì răng khôn
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân thủng má vì răng số 8.
Biến chứng vì răng khôn
Bệnh nhân cho biết bản thân thấy xuất hiện mụn mủ vùng má khoảng 4 tháng trước, nghĩ là mụn bình thường nên tự điều trị tại nhà bằng thuốc tự mua và thuốc nam. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng nghiêm trọng khi mụn gây đau nhiều, sưng nề má, chảy mủ vùng má mới tìm tới bác sĩ.
Đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị ngay với chẩn đoán: Áp xe vùng má phải do răng sô 8 mọc lệch. Bệnh nhân đã được các bác sĩ liên chuyên khoa thực hiện phẫu thuật cắt đường dò má và nhổ răng số 8.
Trước đó, chị Nguyễn Thị T, (22 tuổi trú tại Dữu Lâu – Việt Trì – Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng mặt sưng nề do có ổ áp xe tại vùng góc hàm trái. Theo bệnh nhân, cách đây 3 ngày, T. bị đau sưng vùng răng khôn đang mọc lệch nên có dùng tăm để chọc vào vết sưng và tự mua thuốc điều trị nhưng không đỡ, sau đó vài ngày người bệnh có biểu hiện sưng đau vùng hàm trái mới đi khám ở phòng khám tư và phát hiện có ổ áp xe lớn được chỉ định nhập viện cấp cứu ngay lập tức.
Tại chuyên khoa Răng Hàm Mặt – Khoa Liên chuyên khoa, người bệnh được chẩn đoán bị áp xe vùng góc hàm mặt trái với nguyên nhân do răng và các tổ chức mô mềm trong vùng hàm mặt bị nhiễm khuẩn. Ngay lập tức người bệnh được đưa lên nhà mổ, phẫu thuật trích rạch ổ áp xe theo đường ngoài mặt.
Dẫn lưu áp xe cho bệnh nhân T. |
TS Phạm Mạnh Hà – Phó Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương, cho biết răng số 8 hay còn gọi là răng khôn là răng hàm lớn thứ ba mọc cuối cùng của hàm, thường mọc ở độ tuổi trưởng thành từ 17 – 25 nên được gọi là răng khôn.
Đây là thời gian xương hàm ít tăng trưởng về kích thước. Chất lượng xương trở nên cứng hơn. Niêm mạc và mô phủ bên trên dày chắc cùng một số yếu tố toàn thân khác làm cho răng khôn dễ mọc lệch và gây nhiều biến chứng khó chịu cho bệnh nhân.
Nhổ răng khôn khiến bạn "ngơ ngơ"
Răng khôn mọc lệch thường gây nên một số biến chứng như viêm lợi trùm, viêm mô tế bào. Nguyên nhân do răng khôn mọc lệch gây nhồi nhét thức ăn. Vùng này lại rất khó vệ sinh làm sạch nên lâu ngày gây hiện tượng viêm nhiễm, sưng đỏ, đau quanh thân răng, sau đó tạo mủ, cứng hàm.
TS Hà cho biết khi tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ phá hủy xương xung quanh răng này và các răng bên cạnh.
Ngoài ra, răng khôn mọc lệch còn phá huỷ cả răng kế bên, răng khôn nghiêng về răng số 7 và tạo ra vị trí này dễ bị nhồi nhét thức ăn, viêm nhiễm, khó làm sạch, làm sâu răng số 7 thậm chí vỡ răng số 7.
Đặc biệt, răng khôn mọc lệch làm tăng nguy cơ gãy xương hàm khi các răng ngầm trong xương có thể tạo nang thân răng.
Việc nhổ răng khôn đuợc bác sĩ chỉ định trong các trường hợp như răng mọc lệch hoặc ngầm gây các biến chứng như: đau, khít hàm, viêm sưng, sâu răng…. Răng mọc lệch ra khỏi cung răng không tham gia vào việc nhai, gây trở ngại cho vệ sinh miệng.
Chỉ nên nhổ răng khi có yêu cầu của các chuyên khoa như chỉnh hình răng mặt, phục hình. Và chỉ nhổ răng sau khi được bác sĩ đánh giá tình trạng của răng khôn.
Việc nhổ răng khôn không ảnh hưởng tới chức năng ăn nhai cũng như hình dáng khuôn mặt nhưng bệnh nhân cũng phải lưu ý một số điều cần thiết kể cả trong việc chăm sóc vùng miệng của mình, nhằm tránh tình trạng đau nhức, viêm sưng.
TS Hà cho biết việc nhổ răng khôn không ảnh hưởng gì tới các cơ quan khác. Dân gian thường quan niệm nhổ răng khôn ảnh hưởng dây thần kinh, có thể bị “ngơ ngơ” nhưng thực chất quan niệm này không đúng.
Nếu răng khôn mọc lệch không được nhổ còn nguy hiểm hơn nhiều. Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội từng tiếp nhận nhiều trường hợp răng khôn áp xe, viêm đi viêm lại và dịch từ ổ răng chảy xuống trung thất gây áp xe cả trung thất, có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Việc nhổ răng khôn cũng hết sức cẩn trọng. Bác sĩ khuyến cáo người dân cần nhổ ở các cơ sở uy tín vì khả năng ngộ độc thuốc gây tê khi nhổ răng khôn khá phổ biến. Bệnh nhân không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Sau nhổ răng khôn, người bệnh nên lưu ý phải gắn gạc trong miệng khoảng 30 phút sau phẫu thuật để tránh chảy máu.
Chườm đá lạnh ngoài má khoảng 15 phút, sau đó nghỉ 15 phút trong 24 giờ sau phẫu thuật để giảm sưng.
Có thể chườm ấm vào ngày hôm sau. Ăn mềm, nguội 1-2 ngày sau nhổ răng. Những ngày sau có thể ăn uống bình thường, nên nghỉ ngơi hoàn toàn sau phẫu thuật 1-2 ngày và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Khánh Chi