Thực phẩm kém an toàn bủa vây người tiêu dùng dịp Tết
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão, thị trường thực phẩm dành cho Tết Nguyên Đán vô cùng sôi động.
Theo khảo sát của phóng viên Infonet, các loại thực phẩm dành cho Tết từ bánh kẹo, các loại hạt, các loại thịt bò khô, thịt hun khói, thị gác bếp... tràn ngập trên các gian hàng chợ mạng.
Tại một group bán hàng trên mạng xã hội, một nickname có tên Tran D. bán hàng loạt sản phẩm với menu vô cùng phong phú và giá “ngã cây” như: Thịt bò khô có giá 240 nghìn đồng/kg, thịt lợn khô cháy tỏi có giá 160 nghìn đồng/kg, khô gà lá chanh có giá 140 nghìn đồng/kg…
Đặc biệt, thịt bò tươi được quảng cáo là bắp bò nhập khẩu nhưng có giá là 100 nghìn đồng/kg. Bắp bò được quảng cáo có thể sử dụng làm lẩu, bắp bò ngâm mắm… là món ăn được nhiều người ưa chuộng trong dịp Tết.
Ngoài ra, các loại thực phẩm là bánh kẹo được quảng cáo là nhập khẩu nội địa Trung Quốc có giá siêu rẻ. Ví dụ kẹo béo nhân hạt mắc ca phủ socola chỉ có giá 70 – 80 nghìn đồng/kg. Bánh mochi Đài Loan cũng có giá 80 – 100 nghìn đồng/hộp 2kg.
Các loại hạt như hạt hạnh nhân cũng được chào bán với giá 140 – 150 nghìn đồng/kg. Trong khi trên thị trường loại hạt này có giá gấp đôi.
Theo giải thích của người bán vì là hàng nhập “nước một” từ đầu nậu nên có giá tại kho để bán lẻ cho mọi người. Đa phần các sản phẩm đều là hàng nhập khẩu nhưng chất lượng cam kết ngon và an toàn.
Trên Facebook, các group bán hàng thực phẩm dành cho Tết cũng hoạt động hết công suất. Ví dụ như nhóm Mua may bán đắt với nửa triệu thành viên có nhiều người tích cực bán hàng Tết.
Các sản phẩm đều có giá rẻ bất ngờ so với mua tại chợ dân sinh, cửa hàng hay siêu thị. Theo những người bán hàng vì bán tại kho, không mất tiền thuê người bán hàng, tiền quản lý, thuê cửa hàng nên giá rẻ hơn còn chất lượng như nhau.
Để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, như mọi năm Bộ Y tế vừa thành lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh - thành trọng điểm trên cả nước.
Các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh tới xã - phường. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống đường phố, kể cả các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại.
Bên lề hội nghị Sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TPHCM và các tỉnh, giai đoạn 2021-2025, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán là thời điểm các loại thực phẩm kém chất lượng thậm chí thực phẩm hết date, ôi thiu cũng được phù phép để đưa ra thị trường tiêu thụ.
Các thực phẩm này dù không thể dùng được nhưng gian thương vẫn bảo trữ trong kho đông và chờ thời cơ tung ra thị trường. Người tiêu dùng mua phải các sản phẩm này ăn có nguy cơ ngộ độc cấp tính và ngộ độc trường diễn trong tương lai.
PGS Lan cho biết, để đảm bảo Tết an toàn trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay tốt nhất là chúng ta chọn lựa sản phẩm kỹ, ăn ít nhưng đảm bảo tốt vẫn hơn là mua nhiều mà kém chất lượng.
Bà Lan cho rằng người tiêu dùng không nên chọn các sản phẩm quá rẻ vì chắc chắn rẻ hơn trên thị trường thì chất lượng sẽ không đảm bảo.
Bà Lan khuyến cáo người tiêu dùng nên mua các sản phẩm nguồn gốc rõ ràng, các sản phẩm đảm bảo đủ tiêu chí an toàn do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Với các sản phẩm biếu quà cũng được phù phép, tốt nhất người tiêu dùng nên thận trọng và tìm hiểu thật kỹ trước khi mua tránh mua phải hàng nhái,hàng giả.
Dù bạn mua hàng trong nước hay nước ngoài vẫn giữ tiêu chí an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Tại TP.HCM, bà Lan chia sẻ các cơ quan chức năng hiện nay đang phải tập trung chuẩn bị, thanh kiểm tra cho dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.
K.Chi