Thực hư tin Mỹ thuyết phục Ba Lan không cung cấp MiG-29 cho Ukraine
Theo đó, Spectator tuyên bố rằng ban đầu Washington ủng hộ ý tưởng cung cấp cho Kiev các máy bay chiến đấu MiG-29 của Liên Xô mà quân đội Ba Lan có, nhưng sau đó đã sửa đổi quan điểm sau yêu cầu khẩn cấp của Bắc Kinh.
Cần lưu ý một số cựu lãnh đạo của một số nước châu Âu cũng có quan điểm tương tự, điều này cũng ảnh hưởng đến quyết định của Mỹ.
Tuy nhiên, theo Spectator để đổi lấy sự đảm bảo của Mỹ, Trung Quốc đã cam kết thuyết phục Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trước đó, vào tháng 3, Mỹ đã bác bỏ kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine, đồng thời cho biết, theo đánh giá của cộng đồng tình báo, đây sẽ là một động thái “rủi ro cao”, làm gia tăng căng thẳng giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Giải thích về quyết định nói trên của Mỹ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby nói rằng, việc chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 sẽ không tạo ra nhiều thay đổi cho Ukraine khi phải đối phó với sức mạnh quân sự của Nga. Ông Kirby cũng cho biết, Mỹ có thể hỗ trợ cho Kiev những loại vũ khí khác.
“Cộng đồng tình báo đánh giá, việc chuyển giao máy bay MiG-29 cho Ukraine sẽ bị hiểu nhầm là hành động gây leo thang căng thăng và có thể khiến Nga đưa ra những phản ứng đáng kể làm gia tăng nguy cơ leo thang quân sự với NATO. Do đó, chúng tôi cho rằng việc chuyển giao chiến đấu cơ MiG-29 sẽ gây ra rủi ro rất cao”, ông John Kirby nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Kirby không cung cấp thông tin chi tiết về điều gì đã thúc đẩy những đánh giá nói trên của tình báo Mỹ. Mỹ hiện đang tìm cách đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, nhưng nước này không ủng hộ việc đưa máy bay chiến đấu từ lãnh thổ NATO vào khu vực chiến sự.
Phát triển từ phòng thiết kế Micoian nổi tiếng, MiG-29 được đưa vào biên chế đã gần 40 năm. NATO gọi MiG-29 là Fulcrum. Các nhà lãnh đạo Xô-Viết khi ấy kỳ vọng MiG-29 có thể đối đầu với các máy bay tiêm kích thế hệ 4 của Mỹ như F-16 Fighting Falcon, F/A-18 Hornet. MiG-29 có khả năng đạt tốc độ tối đa lên tới 2.200 km/h, tầm hoạt động 1.500 km. Trang bị hỏa lực chính của máy bay này là một pháo bắn nhanh 30mm và 7 móc treo vũ khí cho phép lắp bom, tên lửa và thùng dầu phụ. MiG-29 sử dụng được 10 kiểu tên lửa, 4 loại bom, cùng thiết bị gây nhiễu… MiG-29 trang bị một hệ thống phòng thủ được thiết kế để cảnh báo kịp thời cho phi công về nguy cơ bị tấn công, trong đó cảnh báo hướng có thể bị tấn công, cũng như có khả năng gây nhiễu hệ thống dẫn đường tên lửa của đối phương. Ngoài ra, trên máy bay có lắp phương tiện radar cảnh báo SPO-15LM Beryoza. Để bảo vệ máy bay chống lại vũ khí dẫn đường cảm ứng nhiệt có hệ thống gây nhiễu thụ động, được thực hiện bằng cách phóng ra các mục tiêu giả tầm nhiệt dưới dạng những viên đạn. |
Hòa Bình (lược dịch)