Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ giúp 'thủ phủ' thanh long lớn nhất nước vượt dịch
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc sản xuất và tiêu thu thanh long ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xuất khẩu thanh long trái tươi. Mới đây, tỉnh Bình Thuận đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo xuất khẩu thanh long thuận lợi...
Thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả chủ lực, cũng là một trong 9 loại cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường thế giới. Và tỉnh Bình Thuận được xem là “thủ phủ” thanh long của cả nước với diện tích lên đến 33.750ha, trong đó 11.936ha đạt chứng nhận VietGAP, 517ha đạt GlobalGAP, tổng sản lượng trung bình 650.000 tấn quả/năm.
Những năm qua, cây thanh long mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng chục nghìn hộ nông dân trong tỉnh thông qua sản xuất, kinh doanh mặt hàng thanh long.
Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ giúp 'thủ phủ' thanh long lớn nhất nước vượt dịch |
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Biện Tấn Tài, thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi và một số ít là đã qua chế biến như thanh long sấy, rượu vang thanh long... Theo đó, tỷ trọng tiêu thụ thanh long trên thị trường nội địa hiện chỉ chiếm khoảng 15%.
Về xuất khẩu, hiện thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu qua đường chính ngạch vào các thị trường như Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á... Cụ thể, thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngách và buôn bán biên mậu ở các cửa khẩu đường bộ hiện đạt trên 500.000 tấn/năm.
Điều đáng nói là, hiện Trung Quốc cũng có diện tích trồng thanh long tương đương với Việt Nam và đang tiếp tục phát triển mở rộng, mùa thu hoạch thanh long của Trung Quốc cũng không chênh lệch nhiều so với thanh long Bình Thuận. Vì thế, thời điểm này, thanh long Bình Thuận phải cạnh tranh với cả thanh long Trung Quốc nên việc tiêu thụ thường chậm, giá có xu hướng giảm.
Hơn nữa, thời gian qua, việc phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu phía Bắc đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ thanh long trái tươi của Bình Thuận.
Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu thanh long Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc được thuận lợi, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân, Sở Công Thương Bình Thuận cho biết đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi, trao đổi thường xuyên với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm bắt tình hình và phối hợp với các đơn vị liên quan có thông báo, khuyến cáo đến doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị liên quan về tình hình xuất nhập khẩu qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Đồng thời phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long phân ra ở nhiều cửa khẩu, tránh tập trung vào một cửa khẩu để hạn chế hiện tượng ùn tắc hàng hóa, khi thu hoạch rộ.
Sẽ tăng cường xuất khẩu chính ngạch thanh long bằng đường biển để cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố phía Đông như: Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Chiết Giang, Hồ Bắc… và các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc.
Đối với thị trường trong nước, sẽ thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành, vùng, khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng nông sản phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử.… Từ đó, tập trung cao cho hình thức tiêu thụ, chào bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư nhà máy chế biến thanh long; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi.
Để thúc đẩy tiêu thụ thanh long trong điều kiện ảnh hưởng dịch Covid-19, Sở Công Thương cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát tình hình sản xuất thanh long và hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị
Tăng cường công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng hóa chất, chất kích thích, chất tăng trọng… trong toàn chuỗi sản xuất - tiêu thụ thanh long nhằm đáp ứng yêu cầu của từng thị trường; Thực hiện tốt công tác quản lý các vùng trồng thanh long, cơ sở đóng gói trái thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, lưu ý đối với các cơ sở được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đề nghị Hiệp hội thanh long Bình Thuận nâng cao vai trò của hiệp hội, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác thông tin về tình hình thị trường, giá cả… đến các doanh nghiệp thành viên để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; Vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thanh long sang thị trường Trung Quốc; Kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp và đề xuất, kiến nghị giải pháp với các đơn vị liên quan nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long.
Hải Yến
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.