Thừa nhận bất ngờ của ông Biden với Tổng thống Pháp về AUKUS
Tổng thống Mỹ Biden bất ngờ đưa ra lời xin lỗi phi chính thức tới Tổng thống Pháp Macron liên quan tới thỏa thuận AUKUS.
Trong cuộc họp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Rome hôm 29/10, Tổng thống Joe Biden thừa nhận ông đã “vụng về” khi đưa ra thông báo về thỏa thuận đóng tàu ngầm giữa Mỹ - Anh- Australia mang tên AUKUS mà Pháp bị cho "ra rìa".
Thậm chí, Paris còn cho triệu hồi đại sứ ở Washington và Canberra về nước ngay lập tức để tham vấn liên quan tới “thái độ không thể chấp nhận được” của Mỹ, Anh và Australia, khi 3 nước ký kết thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân, khiến Australia hủy hợp đồng đóng tàu trị giá 66 tỉ USD với Pháp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Rome. (Ảnh: AP) |
Lời thừa nhận của ông Biden là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm xoa dịu mối quan hệ căng thẳng với Pháp. Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Biden – Macron, kể từ khi Mỹ, Anh và Australia bất ngờ công bố về thỏa thuận AUKUS.
Ông Biden không chính thức nói lời xin lỗi với ông Macron mà nhấn mạnh, Mỹ không nên để Pháp, đồng minh lâu đời nhất, bị ngạc nhiên.
“Tôi nghĩ điều mà chúng tôi đã làm là vụng về, chuyện này đã không được xử lý một cách khéo léo. Tôi tưởng rằng Pháp đã được Australia thông báo trước từ lâu về việc từ bỏ thỏa thuận đóng tàu ngầm giữa hai nước”, AP dẫn lời ông Biden.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh thêm, “Tổng thống Biden thừa nhận đáng lẽ cần có sự tham vấn nhiều hơn, trước khi đưa ra thông báo về thỏa thuận AUKUS”.
Về phần mình, Tổng thống Macron cho hay hai đồng minh Mỹ - Pháp sẽ cần phát triển “mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ hơn” để ngăn chặn sự hiểu lầm tương tự tái diễn.
Trong cuộc trao đổi kéo dài gần 90 phút tại Biệt thự Bonaparte của Đại sứ quán Pháp tại Vatican, Tổng thống Mỹ và Pháp cũng đã thảo luận về các phương thức mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sau khi thỏa thuận AUKUS ra đời.
Liên minh an ninh “lịch sử” mang tên AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia được thành lập nhằm tăng cường năng lực quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ liên minh, 3 nước sẽ chia sẻ công nghệ quốc phòng hiện đại, đồng thời chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia.
Phản ứng gay gắt của Pháp đối với AUKUS được thể hiện khi lần đầu tiên trong 250 năm quan hệ ngoại giao, Pháp đã triệu hồi đại sứ ở Mỹ về nước.
Các quan chức Mỹ ngay cả Tổng thống Biden cũng đã làm việc nhiều tuần để xoa dịu tình hình căng thẳng với Pháp. Trong một động thái, thay vì đích thân tới Pháp vào đầu tháng 11, Tổng thống Biden sẽ cử Phó Tổng thống Kamala Harris đi thay.
Sự nhượng bộ từ Mỹ còn thể hiện ở việc cuộc họp giữa Tổng thống Biden và Macron ở Rome là do Pháp chủ trì và văn phòng của Tổng thống Macron đã gọi sự kiện này là “quan trọng chính trị”.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Pháp còn bàn luận về vấn đề liên quan tới Trung Quốc, Afghanistan và Iran. Ông Biden cũng cam kết Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ hoạt động chống khủng bố do Pháp dẫn đầu tại vùng Sahel của châu Phi.
Đại sứ Pháp sắp trở lại Mỹ sau bất đồng về liên minh AUKUS
Đại sứ Pháp sẽ trở lại Washington vào tuần tới sau khi Mỹ - Pháp bất đồng về liên minh quân sự mới thành lập AUKUS.
Minh Thu (lược dịch)