Đại sứ Pháp sắp trở lại Mỹ sau bất đồng về liên minh AUKUS
Đại sứ Pháp sẽ trở lại Washington vào tuần tới sau khi Mỹ - Pháp bất đồng về liên minh quân sự mới thành lập AUKUS.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo đại sứ nước này sẽ trở lại Washington vào tuần tới.
Trước đó, đại sứ Pháp tại Washington đã được triệu tập về nước ngay lập tức vào tuần trước, sau khi Paris lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ về liên minh quân sự mới thành lập mang tên AUKUS với 3 nước thành viên là Mỹ, Anh và Australia.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng Sáu. (Ảnh: EPA) |
RT đưa tin, trong cuộc điện đàm hôm 22/9, Tổng thống Biden và Tổng thống Macron đã thảo luận về hiệp ước an ninh mới được thành lập AUKUS cùng một số vấn đề khác. Tuyên bố của Mỹ, Anh và Australia về sự ra đời của AUKUS không chỉ khiến Pháp bị cho ra rìa trong liên minh AUKUS, mà Paris còn mất bản hợp đồng trị giá 66 tỉ USD đóng các tàu ngầm truyền thống cho Canberra.
Tuyên bố chung của Nhà Trắng và Điện Elysee sau cuộc điện đàm cho hay, hai nhà lãnh đạo đã “đồng thuận rằng tình hình sẽ có lợi nếu như được tham vấn trước với các đồng minh về vấn đề lợi ích chiến lược đối với Pháp và các đồng minh châu Âu”.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ - Pháp còn có kế hoạch gặp mặt tại châu Âu vào cuối tháng 10.
Theo quyết định của Tổng thống Macron, đại sứ Pháp tại Mỹ từng bị triệu tập về nước hôm 17/9 sẽ trở lại Washington vào tuần tới. Đại sứ Pháp cũng sẽ “làm việc tích cực” với giới chức Mỹ khi trở lại Washington.
Cũng trong tuyên bố chung, Tổng thống Biden đã “tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của Pháp và châu Âu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương” và “cũng công nhận mức độ quan trọng của năng lực quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn đóng góp chủ động vào tình hình an ninh toàn cầu và với NATO”.
Hồi tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh việc từ bỏ thỏa thuận đóng tàu ngầm giữa Canberra và Paris là “thái độ không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác”. Thậm chí, Bộ trưởng Le Drian còn gọi đây là “nhát dao đâm sau lưng”.
Theo sáng kiến AUKUS, các quan chức hải quân và chuyên gia kỹ thuật của Mỹ, Anh và Australia sẽ làm việc cùng nhau trong vòng 18 tháng để chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia “nhằm tăng cường năng lực răn đe ở dọc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Cho tới nay chỉ có 6 nước vận hành tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí nguyên tử gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Anh. Nếu như dự án AUKUS thành công, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nhưng không có vũ khí hạt nhân đi kèm.
Truyền thông Trung Quốc cảnh báo Australia sau thỏa thuận với Mỹ, Anh
Truyền thông Trung Quốc cảnh báo, sau khi gia nhập liên minh mới AUKUS, Australia có thể trở thành mục tiêu bị tấn công.
Minh Thu (lược dịch)