Thủ tướng: Thẳng thắn chỉ rõ DN nào Nhà nước không cần nắm giữ?
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại Hội nghị toàn quốc Triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020 diễn ra chiều nay, 06/12/2016, giai đoạn 2011-2015 phần lớn DNNN sản xuất, kinh doanh có lãi.
Tổng hợp kết quả hoạt động năm 2014 của 781 DNNN so với năm 2011 cho thấy: Tổng doanh thu tăng 4%, tổng lợi nhuận trước thuế tăng 26%, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu giảm 2% nhưng vẫn đạt khoảng 16%, nộp ngân sách 278.000 tỷ đồng, tăng 34%, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu nằm trong giới hạn cho phép.
Nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty có lợi nhuận trước thuế cao như: PVN 42.893 tỷ đồng; Viettel 45.046 tỷ đồng; EVN 4.595 tỷ đồng; SCIC 8.584 tỷ đồng…
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, một số Tập đoàn, Tổng Công ty có lỗ lũy kế là: Vinalines 3.346,273 tỷ đồng; TCT Lương thực Miền Nam 1.062,833 tỷ đồng; TCT 15 – Bộ Quốc Phòng 718,209 tỷ đồng; TCT Cà phê VN 399,361 tỷ đồng; TCT Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam 113,721 tỷ đồng; TCT Cơ khí Xây dựng 108,275 tỷ đồng; TCT Xăng dầu Quân đội 69,188 tỷ đồng; VTC 102,801 tỷ đồng; TCT Xây dựng Trường Sơn 72,199 tỷ đồng; TCT Du lịch Hà Nội 33.584 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV 622 – Bộ Quốc phòng 16,458 tỷ đồng; Hapro 9,830 tỷ đồng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mặc dù đã giảm số lượng DNNN trong 10 năm qua, nhưng vốn hóa ra thị trường chỉ 8%, tức là còn đến 92% vốn nhà nước tại các DN.
Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo cần làm rõ vì sao cổ phần hóa tỷ lệ thấp như vậy trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước là đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN mạnh mẽ. Thủ tướng cũng chỉ đạo cần trả lời một cách thẳng thắn giải pháp nào để có thể thoái vốn nhà nước tốt nhất, đạt lợi ích cao nhất cho nhà nước và huy động vốn tốt nhất.
“Cần thẳng thắn chỉ rõ doanh nghiệp nào nhà nước không cần nắm giữ, nếu nắm giữ thì tỷ lệ là bao nhiêu phần trăm? Cơ chế, chính sách có còn phù hợp hay không? Chính sách nào là không phù hợp? Các Tập đoàn, TCT và UBND các tỉnh phải nắm rõ vấn đề này.
Trong việc lựa chọn NĐT chiến lược nước ngoài, cần xác định trách nhiệm tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, đi liền với đó là việc thoái vốn theo lô. Vấn đề trách nhiệm của NN sau cổ phần hóa như thế nào tại các tập đoàn, tổng công ty,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhất thiết phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ trong quá trình cổ phần hóa, không để thất thoát tài sản của nhà nước, nhất là đất đai ở vị trí thuận lợi có sự chênh lệch về giá quá lớn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo cần giải quyết những vướng mắc trong thủ tục sắp xếp, giải thể các DN thua lỗ kéo dài, đồng thời quá trình sắp xếp các DNNN cần chú ý đến chính sách đối với lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu DNNN.
Đối với các DNNN cố tình chậm cổ phần hóa, Thủ tướng cho rằng cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các DNNN trong việc cố tình chậm cổ phần hóa.
Theo ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm VPCP, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN – giai đoạn 2011-2015, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 57 DN (6 Tổng Công ty đã cổ phần hóa và 51 DN độc lập) với tổng giá trị vốn nhà nước là 1.327 tỷ đồng. SCIC đã thoái vốn tại 366 DN, trong đó thoái hết vốn tại 336 DN với giá trị sổ sách 2.936 tỷ đồng, thu về 7.002 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, DATC đã tiếp nhận để xử lý nợ và tài sản tồn đọng tại 187 DN với tổng giá trị nợ và tài sản loại trừ là 553.403 triệu đồng. Thực hiện xử lý tài sản và thu hồi nợ đọng từ 333 DN, thực tế thu hồi được 151.486 triệu đồng.