Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói gì về mô hình hội đồng tự quản bậc Tiểu học?
Đến lúc này, có nhiều ý kiến khác nhau về mô hình Hội đồng tự quản ở bậc Tiểu học, Thứ trưởng Bộ GD &ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã lên tiếng về vấn đề này:
“Trên thế giới, mô hình trường học mới có từ những năm 70 của thế kỷ trước, là một mô hình do các tổ chức tiên tiến như UNESCO, UNICEF, WB… đầu tư để mời các chuyên gia giáo dục nổi tiếng trên thế giới đến với các nước phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trao đổi với báo chí. |
Mô hình mới này, ở Việt Nam đã thử nghiệm được 4 năm nay và rất thành công. Lúc đầu chỉ có 48 lớp, 24 trường, năm sau dự án hỗ trợ thành 1.447 trường, và đến năm học 2015-2016 này sẽ có khoảng 3.700 trường đăng ký tham gia toàn diện mô hình này. Áp dụng mô hình này sẽ thấy được tính chất khả thi, tính chất tiến bộ của môi trường này trong thực tế.
Đây là một cuộc thử nghiệm của “chương trình sách giáo khoa mới” nói riêng, và thử nghiệm trong việc đổi mới cả nhà trường tiểu học nói chung, các địa phương có các học sinh đã học hết lớp 5 thì đa số đều đề nghị được tiếp tục tổ chức mô hình này ở cấp học THCS. Bộ Giáo dục đã đáp ứng nguyện vọng này. Năm nay rút kinh nghiệm, Bộ GD hoàn thiện hơn về tài liệu, khâu tập huấn để triển khai rộng hơn, hiện đã có 1.600 trường đăng ký triển khai mô hình này ở lớp 6 trong năm học tới.
Trước đây, lớp trưởng nhiều khi cứ đứng ra làm thay giáo viên theo dõi, đôn đốc các bạn học hành, theo dõi bạn nào đi học muộn, bạn nào chưa học thuộc bài… thì bây giờ, việc ấy không phải các em làm thay mà chính các em tự bảo ban nhau, các em bình bầu, theo dõi, giám sát lẫn nhau.
Trong công việc sinh hoạt tập thể, trước đây giáo viên đứng ra tổ chức rồi phân công, lớp trưởng thì đôn đốc các bạn thực hiện. Nhưng bây giờ các em trong hội đồng tự quản tự đứng ra tổ chức, bàn bạc với nhau, thậm chí các em được đề xuất nguyện vọng thông qua hội đồng tự quản rồi báo cáo với giáo viên, với đoàn đội, với phụ huynh học sinh, một số nơi các em còn báo cáo với cả lãnh đạo địa phương thì được các địa phương, nhà trường, các tổ chức đoàn thể tiếp thu rất tốt và hướng dẫn các em thực hiện. Điều này, không nhằm mục đích giảm nhẹ trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường mà chính là tăng khả năng tự chủ, tự quản, khả năng sinh hoạt cùng nhau, khả năng trao đổi góp ý lẫn nhau, gọi nôm na là tăng kỹ năng sống cho các em học sinh.
Mô hình tổ chức đoàn đội, lớp trưởng lớp phó trước đây cũng làm, nhưng không phải là xuất phát từ chính các em học sinh, bây giờ chúng ta cố gắng để những việc này xuất phát từ chính các em học sinh, tránh tình trạng giáo viên làm thay học sinh. Nếu trước đây, chúng ta cứ coi học sinh không có khả năng làm việc đó, giáo viên làm thay nhiều dẫn đến không có dân chủ, tai hại hơn là làm hạn chế khả năng chủ động sáng tạo, khả năng sinh hoạt tập thể, khả năng quản lý lớp, quản lý nhóm và tham gia các hoạt động tập thể của các học sinh.
Mô hình hội đồng tự quản có tác dụng thúc đẩy những mặt yếu của học sinh. Mô hình này đã thành công trong mô hình trường học mới, có thể áp dụng toàn bộ hoặc có thể áp dụng từng phần mà không làm phiền đến bố mẹ, gia đình.
Điều lệ trường tiểu học trong Thông tư thay thế Thông tư 41/2010/TT-BGĐT, có sự khác biệt về mô hình tổ chức lớp học so với trước đây là trong lớp học có lớp trưởng, lớp phó, có các em chỉ huy liên đội… thì bây giờ trong mô hình trường học mới, có thể gọi là chủ tịch hội đồng tự quản, trong hội đồng đó thì có các ban như ban về học tập, ban đối ngoại, ban lao động vệ sinh,… theo hướng thực hiện nhà trường ngày càng dân chủ hơn.
Đây là mô hình rất mới, trường đầu tiên được triển khai theo mô hình này đã được 4 năm và thấy rằng các em học sinh đã làm rất tốt, chúng ta chủ động cho học sinh bình bầu để có được những cán bộ chủ tịch hội đồng tự quản, các em này sẽ tự quản lớp học của mình về những công việc như hội họp, các hoạt động sinh hoạt như văn nghệ, thể dục thể thao rồi nhận xét các bạn trong lớp có thành tích như thế nào.
Trong nhà trường, quan hệ giữa học sinh với học sinh là quan hệ cộng tác phối hợp, trên cơ sở hoạt động cá nhân thì các em được hỗ trợ lẫn nhau. Trong quan hệ giữa giáo viên với học sinh là bình đẳng trên cơ sở giáo viên là người chỉ đạo, là người tổ chức hướng dẫn. Trong mô hình trường học mới, việc dạy của giáo viên không phải là đứng lên giảng mà chính là tổ chức cho học sinh biết tự học, hướng dẫn cho học sinh vượt qua những khó khăn, biết được em nào tốt thì động viên, em nào có kết quả thì khích lệ động viên bước đầu để các em tiến bộ, và chính từ những thành công nhỏ sẽ dẫn đến thành công lớn ở các em học sinh.
Chúng ta muốn thay đổi nhà trường thì không phải chỉ thay đổi việc dạy và học mà phải thay đổi đồng bộ tất cả các hoạt động sư phạm trong nhà trường, quan hệ giữa giáo viên với giáo viên cũng thay đổi theo chiều hướng thân thiện, theo tinh thần là đồng đội học tập lẫn nhau.
Chúng ta hình dung lớp học cũng là một tổ chức, trong đó có những nhóm học tập khác nhau và các nhóm thì có những ban khác nhau như ban văn nghệ, thể thao, đối ngoại, học tập,.. trong một lớp học. Cả nhà trường sẽ là một xã hội, xã hội nhà trường là một phần của xã hội hiện tại. Chúng ta quan niệm rằng, học sinh được học trong nhà trường chính là học sinh đã được sống, được học tập trong xã hội, hay còn gọi là chuẩn bị cho học sinh bước vào đời sống xã hội.