Thu nhập của nông dân: Một tiêu chí không thể thiếu trong xây dựng NTM
Thu nhập của người dân ở nông thôn cũng được chú trọng trong công tác xây dựng nông thôn mớii |
Theo ban chỉ đạo mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Bắc Ninh, để đặt ra mục tiêu xâ dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, dựa trên các tiêu chí đã được đặt ra từ trước cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao; tăng cường công tác khuyến nông; đẩy nhanh cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch sản xuất nông nghiệp. Năm 2015 phấn đấu 73/97 xã đạt chuẩn tiêu chí thu nhập.
Trong phát triển nông nghiệp, trồng trọt vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực cho nhu cầu của tỉnh. Tập trung phát triển sản xuất hàng hóa thành các vùng sản xuất quy mô đủ lớn, sử dụng công nghệ cao gắn với bảo quản chế biến, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng máy móc công nghệ hiện đại, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Tiếp tục duy trì tỷ lệ lúa lai để đảm bảo An ninh lương thực; đồng thời phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển mạnh sản xuất rau màu, hoa cây cảnh, cây công nghiệp theo hướng tăng diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm.
Sản xuất lúa gạo một phần không thể thiếu của nông thôn mới, đến nay tỉnh vẫn duy trì và sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa, giai đoạn 2014-2015 toàn tỉnh ổn định khoảng 36.000 ha. Phấn đấu giữ năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt từ 62 tạ/ha, sản lượng lúa đạt trên 415.000 tấn vào năm 2020.
Ngoài cây lúa, cây ngô cũng được xem có giá trị kinh tế cho chăn nuôi tập trung khai thác tối đa lợi thế các vùng đất bãi. Đến năm 2020 ổn định diện tích 3.000 ha, nhưng cần tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng TBKT để tăng năng suất và sản lượng, phấn đấu đến 2015 năng suất ngô bình quân đạt 46 tạ/ha; sản lượng đạt trên 13.800 tấn. Trong đó diện tích ngô lai, ngô biến đổi gen có năng suất cao chiếm trên 95% diện tích gieo trồng, 5% diện tích gieo trồng giống ngô khác.
Các loại cây công nghiệp ngắn ngày: Phát triển cây công nghiệp hàng năm có giá trị hàng hóa cao như lạc, đậu tương; đưa giống mới năng suất cao, phẩm chất tốt vào sản xuất đại trà kết hợp với áp dụng quy trình thâm canh phù hợp.
Đối với cây rau thực phẩm: Mở rộng tối đa sản xuất rau ở những nơi có điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh sản xuất rau vụ đông với nhiều chủng loại đa dạng, phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh, một phần bán ra tỉnh ngoài và phục vụ xuất khẩu.
Trước mắt, chú trọng xây dựng vùng sản xuất rau xanh an toàn ở Thành phố Bắc Ninh, Thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành; vùng cà rốt an toàn ở Lương Tài, Gia Bình; vùng khoai tây an toàn ở Quế Võ, Yên Phong; vùng hành tỏi, dưa bầu, bí ở Gia Bình, Lương Tài.
Đến năm 2020 phấn đấu toàn tỉnh duy trì ổn định khoảng 10.000 ha gieo trồng các loại rau thực phẩm; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật gắn với quy trình sản xuất rau an toàn để mỗi năm sản lượng rau đạt từ 210.000-220.000 tấn.