Thông tư 30: Không xếp loại học sinh, công đoàn lúng túng khen thưởng
Với cách viết giấy khen như thế này, công đoàn nhiều cơ quan đơn vị " gặp khó" |
Lúng túng
Thông tư 30 quy định, hiệu trưởng sẽ quyết định tỷ lệ học sinh được khen toàn diện ở trường mình. Căn cứ vào tỷ lệ này, tập thể lớp sẽ bình chọn với 3 tiêu chí: Về học tập, năng lực và phẩm chất. Giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của cả lớp rồi quyết định khen thưởng học sinh toàn diện.
Số còn lại, ở một số trường, sẽ xem xét, học sinh nào tích cực về mặt học tập, có thể có 4-5 điểm 9, điểm 10 thì biểu dương về tinh thần học tập, còn em nào có ý thức tốt thì tuyên dương về năng lực phẩm chất.
Điều này được nhiều giáo viên tiểu học lý giải, chiểu theo quy định thì về cơ bản em nào cũng được tuyên dương (được khen toàn diện, cháu khen về hoạt động phong trào, cháu thì được khen về mặt học tập…), nhưng số để được chọn tiêu biểu (học sinh xuất sắc) thì do hiệu trưởng từng trường qui định.
Trước tình huống “oái ăm” này, nhiều chủ tịch công đoàn các cơ quan, đơn vị đều lúng túng trước việc khen thưởng cho các con là cán bộ công nhân viên chức của đơn vị mình. Ban chấp hành công đoàn các đơn vị đều cho rằng, thông tư chưa sát với thực tế, đẩy khó không chỉ cho các giáo viên mà ngay cho chính những người làm công tác công đoàn- chăm sóc đời sống cho người lao động.
Ông Nguyễn Đình Ngọc – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn công ty cổ phần công trình đô thị Hoàng Mai cho biết: Theo thông lệ những năm trước, con của cán bộ công nhân viên chức trong công ty sẽ được khen thưởng 2 mức: học sinh giỏi (đối với các cháu học tiểu học), học sinh tiên tiến (với các cháu học bậc THCS và THPT). Ngoài ra, nếu các cháu đạt giải thành phố và quốc gia sẽ có mức thưởng lớn hơn. Tuy nhiên, trong năm học này chúng tôi đang lúng túng khi xét duyệt phần thưởng cho các con khối tiểu học.
“Đây là năm đầu tiên triển khai thông tư 30 theo đó không xếp loại học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như mọi năm nên chúng tôi chưa biết làm thế nào để vừa động viên được các con vừa tạo niềm vui cho bố mẹ. Chúng tôi cũng đã tham khảo thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng đến quần chúng người lao động. Thậm chí tôi phải cử cán bộ công đoàn của công ty đi hỏi các cô giáo tiểu học để xem nội dung viết giấy khen như thế nào thì tương đương với học sinh giỏi và học sinh tiên tiến”- ông Ngọc cho biết.
Liệu cơm gắp mắm
Theo ông Ngọc, ngoài kinh phí tặng quà cho các cháu 1/6 hàng năm, quỹ khen thưởng các cháu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến khoảng 35- 36 triệu đồng. Quỹ khen thưởng năm nay không thay đổi, vì thế chúng tôi dự kiến chỉ trao thưởng cho các cháu hoàn thành xuất sắc – tương đương học sinh giỏi. Tuy nhiên, do đến 10/6 mới hết hạn các gia đình nộp giấy khen nên đến giờ ông Ngọc cho biết vẫn chưa thống kê được số lượng các con được khen thưởng trong năm nay.
“Đành phải liệu cơm gắp mắm. Chiểu theo quy chế cơ quan, học sinh giỏi được thưởng 200.000 đồng, học sinh tiên tiến 150.000 đồng, nếu đáp ứng nguyện vọng của bố mẹ cho rằng cứ có giấy khen là được thưởng thì không khéo… vỡ quỹ. Vì thế chúng tôi đang đưa các phương án. Trong trường hợp các cháu đạt xuất sắc toàn diện ít thì sẽ mở rộng đối tượng đến các cháu cực về mặt học tập. Nếu kinh phí cho khen thưởng vẫn còn thì chúng tôi sẽ mở rộng đến tất cả các cháu có giấy khen” – chủ tịch công đoàn một công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng cho biết.
Hiện công ty này vẫn đang nhận giấy khen của các cháu để tổng hợp phân loại. Trong quá trình này, Ban chấp hành công đoàn vẫn tiếp tục xin ý kiến công đoàn cấp trên và tham khảo ý kiến các đơn vị bạn, đồng thời cũng phải thăm dò phản ứng của công nhân viên chức lao động. Vị chủ tịch công đoàn này cũng nói, trong trường hợp “xấu” nhất chúng tôi sẽ phải xin ý kiến của chính quyền và của người lao động để chia nhỏ phần thưởng cho tất cả các cháu có giấy khen.
Giải đáp những băn khoăn này, đại diện công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội hướng dẫn, các cơ quan đơn vị nên dựa theo quy chế chi tiêu nội bộ của mình để khen thưởng cho các con. Theo đó, với những học sinh có giấy khen “học sinh tiêu biểu” hoặc “học sinh xuất sắc toàn diện” tương đương với học sinh giỏi.